Thu trước khỏi thu sau

Chị Đặng Thị Tin, Giám đốc Quỹ tín dụng phường Yên Thịnh (TP. Yên Bái) lật sổ kế toán rồi lắc đầu ngao ngán: “Năm nay tiền trả lợi tức cho các thành viên sẽ không được như năm ngoái”. Lý do? Ngành thuế đang yêu cầu Quỹ này truy thu khoản tiền thuế thu nhập cá nhân của các thành viên của Quỹ từ năm 2009 đến nay mà trước đây cơ quan thuế không thu và cũng không hướng dẫn Quỹ thu của thành viên. Sự “hồi tố” quy định thu thuế lần này có phần do tình trạng thu ngân sách của địa phương này đang rất khó khăn, nhưng nhiều khoản thu lớn đã cạn vì thu trước kỳ hạn khá nhiều.

Tọa lạc trên phần đất khá rộng mặt đường Điện Biên, trụ sở của Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) chi nhánh tỉnh Yên Bái mới xây dựng khá khang trang. Vào năm ngoái, Chi nhánh nộp tiền thuế đất một lần hơn 30 tỷ đồng, được ngành thuế tuyên dương và tuyên truyền nhân rộng “Điển hình” này đến các ngân hàng, DN khác trên địa bàn tỉnh.

Tương tự là phần đất mới của Agribank chi nhánh tỉnh Yên Bái, tọa lạc ngay đường vòng xuyến thẳng đường Nguyễn Tất Thành, cũng đã nộp tiền một lần cho mục đích thuê đất 50 năm. Yếu tố tích cực là ngân sách địa phương có ngay một khoản tiền lớn để đầu tư cho hạ tầng trong điều kiện vốn ngân sách còn nhiều hạn chế. Nhưng, vấn đề là các năm về sau sẽ hụt đi nguồn thu này.

Cùng trong tình trạng “cạn” nguồn thu của Yên Bái là phần thu từ bán đấu giá đất ở. Trên trục đường mới Nguyễn Tất Thành, những thửa đất có giá từ 30 - 40 triệu đồng đến hơn 150 triệu đồng/mét mặt tiền đã được bán để thu về ngân sách từ cách đây vài năm, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều hộ đến ở.

Theo một số hộ đã mua đất tại đây cho biết, cơn sốt đất vài năm trước khiến nhiều người thậm chí phải nhờ vả làm giấy tờ rất khó khăn mới mua được đất, nhưng nay muốn bán đi cũng khó. Với đà này, phải khoảng 5-10 năm nữa khu vực dân cư này mới có thể phát triển. Điều này cũng hàm ý rằng, nguồn thu từ bán đấu giá quyền sử dụng đất sẽ khó mà dồi dào như trước.

Ở góc độ cả nước, tổng hợp số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, thu tiền sử dụng đất tăng liên tục trong các năm gần đây. Tuy nhiên, nếu xét ở điều kiện giá bán đất, thuế đất cũng tăng trong thời gian này thì nguồn thu đang tăng chậm dần. Số liệu 4 tháng đầu năm 2013, là khoảng thời gian nguồn thu này thực thu được nhiều nhất trong năm, cho thấy: thu tiền sử dụng đất chỉ bằng 76,4% dự toán. Do hụt thu từ đất, những khoản thu khác đang được “kiểm đếm lại” để bù lấp. “Ngân sách thủng cho nên có những khoản trước không thu thuế, nay thu cả”, một cán bộ ngành thuế thông tin.

“Sờ gáy” hoạt động an sinh

Cách trụ sở BIDV chưa đầy 10 km, Quỹ tín dụng nhân dân phường Yên Thịnh hiện diện khiêm tốn trong căn nhà đi thuê hai tầng nhỏ bé. Hoạt động chủ yếu tại địa bàn Yên Thịnh, vài năm gần đây, Quỹ cũng vươn ra xã Tân Thịnh và Đồng Tâm giáp ranh, khu vực dân cư mà nhiều hộ có thu nhập chỉ... đủ ăn.

Mô hình hoạt động của quỹ tín dụng lâu nay được hiểu là mang tính cộng đồng, xã hội cao; tham gia tích cực vào chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương qua việc tiếp vốn món nhỏ cho kinh doanh hộ cá thể, cho nhu cầu sinh hoạt và đời sống; hạn chế tín dụng đen trên địa bàn... nên ý nghĩa xã hội được nhiều hơn lợi ích kinh tế thực sự mang lại cho mô hình quỹ nơi đây.

Trong câu chuyện của anh Lương Thanh Long, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng Yên Thịnh, con ba ba gai đặc sản của Yên Bái đã được nhiều hộ nuôi thành công, xóa được đói, giảm được nghèo và làm giàu cũng nhờ “cú hích” của vốn vay từ Quỹ. Không ít chị em vay vốn để mở cửa hàng có thêm thu nhập cho con cái học lên đại học. Những cặp vợ chồng về hưu “cắm” sổ lương vay vốn xây được nhà, ước nguyện tưởng chừng khó thực hiện trong phần đời còn lại. “Nhiều người làm được việc lớn trong đời nhờ vay tiền của Quỹ, họ đến cảm ơn và tiếp tục tham gia góp quỹ để có nhiều người nữa được như họ”, ông Long nói.

Một cán bộ của NHNN tỉnh Yên Bái cho biết, nhận thấy vai trò và ý nghĩa tích cực của mô hình quỹ tín dụng, 17 quỹ trên địa bàn tỉnh Yên Bái thì có 4 quỹ được cho phép mở rộng địa bàn hoạt động. “Nhiều địa bàn cách xa thành phố Yên Bái đến 200 km, dân cư phân tán nên ngân hàng khó với tới. NHNN chi nhánh tỉnh rất muốn có quỹ tín dụng hoạt động ở đó để điều hòa vốn. Có thời, chúng tôi còn tính đưa cả cán bộ ngân hàng về dựng mô hình quỹ...”, vị nọ cho hay.

Nhưng, chuyện buồn lúc này là Quỹ tín dụng Yên Thịnh đang phải đối mặt với một trách nhiệm tài chính lớn so với quy mô của mình - nộp tiền cho ngân sách. Khoảng tháng 6/2013, ngành Thuế tỉnh Yên Bái có gửi yêu cầu Quỹ tín dụng Yên Thịnh báo cáo lợi tức đã trả cho thành viên của Quỹ từ năm 2009 đến nay để tiến hành truy thu thuế thu nhập cá nhân. Theo tính toán, khoảng 30 triệu đồng là khoản tiền mà Quỹ sẽ phải nộp lại, theo quy định thuế suất 5% tại Luật Thuế thu nhập cá nhân ban hành ngày 21/11/2007. Chị Tin bức xúc: “Các thành viên gửi tiền vào Quỹ là nhằm tương trợ lẫn nhau, hay để được quyền vay vốn chứ không phải mục đích chính là hưởng lợi tức, mà nay lại phải chịu thuế thu nhập”.

“Làm khó” người nộp

1.279 thành viên của Quỹ tín dụng Yên Thịnh, theo quy định, để được vay vốn họ phải đóng góp tối thiểu hai khoản là: 100 nghìn đồng làm “thẻ hội viên” và 500 nghìn đồng góp quỹ. Anh Lương Thanh Long cho biết, tính đến nay Quỹ đã gần như hoàn thành kế hoạch góp quỹ 1.279 triệu đồng. Ngược lại, dư nợ cho vay các thành viên của quỹ đến nay là 35,5 tỷ đồng, cho khoảng 450 khoản vay.

Như vậy, thực tế đa số là các thành viên góp vốn tối thiểu để được vay tiền, Quỹ phải huy động thêm từ nhiều nguồn khác trong đó có việc vay lại của quỹ tín dụng cấp trên. “Chúng tôi đã huy động cạn nguồn tại chỗ, hiện nay phải nâng phần vay từ quỹ cấp trên với lãi suất cao hơn để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao của hội viên’, ông Long phân trần.

Theo chị Tin tính toán, với mỗi 100 nghìn đồng góp quỹ, năm ngoái thành viên được hưởng lợi tức 12 nghìn đồng. Nếu tính thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập góp vốn đầu tư nói trên, thành viên phải nộp thuế 600 đồng/100.000 đồng. Trong khi tất cả các khoản lợi tức đều đã được trả cho thành viên, việc thu lại là bất khả thi. “Để thu được 600 đồng khoản thuế truy thu này, có khi tiền xăng xe đi lại đã mất vài nghìn đồng”, chị Tin phân trần và cho biết thêm: “Chúng tôi đề nghị cán bộ thuế đến tận từng thành viên để thu, nhưng họ không chịu”.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, Quỹ tín dụng Yên Thịnh bỏ tiền ra nộp cho ngành thuế sẽ đỡ tốn kém hơn. Nhưng ở đây lại nảy sinh một việc, khoản nộp này sẽ phải được khấu trừ vào lợi nhuận của năm nay. Như vậy, có thể có những thành viên cũ đã rời khỏi Quỹ thì không phải chịu thuế, thành viên mới lại chịu thiệt. Giải pháp là khấu trừ dần vào lợi nhuận các năm tới, nhưng trong thâm tâm anh Long, chị Tin, có điều gì đó vẫn còn lấn cấn: “Thành viên mới tham gia vào Quỹ để xóa đói giảm nghèo, mà đây cũng là chủ trương của lãnh đạo địa phương, nay lại tính thế này...”, chị Tin chép miệng thở dài...

Ghi chép của Anh Quân

Thời báo Ngân hàng