Thu nội địa chiếm 80% tổng thu NSNN

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong những tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước duy trì tiến độ khả quan, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển, chi trả nợ, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2019 ước tính đạt 421 nghìn tỷ đồng, bằng 29,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa 337,3 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7%, chiếm 80% tổng thu ngân sách; thu từ dầu thô 15,3 nghìn tỷ đồng, bằng 34,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 67,7 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8%.

Trong thu nội địa, nguồn thu từ thuế chiếm chủ yếu. Cụ thể, thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 69,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28,8%; thu thuế thu nhập cá nhân 37,1 nghìn tỷ đồng, bằng 32,8%; thu thuế bảo vệ môi trường 12,9 nghìn tỷ đồng, bằng 18,7%.

Ngoài ra, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 43,9 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 54,7 nghìn tỷ đồng, bằng 25,6% thu tiền sử dụng đất 29,8 nghìn tỷ đồng, bằng 33,1%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2019 ước tính đạt 376,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán năm.

Điều đáng lưu ý là chi thường xuyên đạt 274,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5%; chi đầu tư phát triển 65,3 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2%; chi trả nợ lãi 35,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,1%.

Tháng 4/2019, chi thường xuyên chiếm 73% tổng chi NSNN

Thực hiện vốn đầu tư từ NSNN chưa có dấu hiệu tích cực

Mặc dù vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tháng Tư cao hơn so với tháng trước (tăng 13,2%) và so với cùng kỳ năm trước (tăng 1,2%), nhưng tốc độ tăng so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2016-2019 có sự sụt giảm rõ rệt.

Cụ thể, tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN tháng Tư so với cùng kỳ năm trước: năm 2016 là 13,7%; năm 2017 là 6,1%; năm 2018 là 8,6%; năm 2019 là 1,2%. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước: năm 2016 là 11,7%; năm 2017 là 4,4%; năm 2018 là 9,8%; năm 2019 là 3%.

Số liệu cho thấy, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tháng Tư nói riêng và 4 tháng đầu năm 2019 nói chung chưa có dấu hiệu tích cực. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tính đến thời điểm 20/4/2019, số dự án cấp mới là 1.082 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 5,3 tỷ USD, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tư ước tính đạt 22,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 2,7 nghìn tỷ đồng, giảm 30,4%; vốn địa phương 19,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8%.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 73,4 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 20,3% và tăng 9,8%).

Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 9 nghìn tỷ đồng, bằng 19,5% kế hoạch năm và giảm 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện của các bộ như sau: Bộ Giao thông Vận tải đạt 1.935 tỷ đồng, bằng 26,3% và giảm 57,5%; Bộ Y tế 808 tỷ đồng, bằng 15,3% và tăng 21,7%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 530 tỷ đồng, bằng 16,1% và giảm 56,3%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 206 tỷ đồng, bằng 16% và giảm 8,7%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 189 tỷ đồng, bằng 14,4% và giảm 29,1%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 145 tỷ đồng, bằng 19,4% và giảm 10,9%; Bộ Khoa học và Công nghệ 67 tỷ đồng, bằng 21,9% và tăng 49,3%; Bộ Xây dựng 42 tỷ đồng, bằng 16,8% và giảm 16,9%; Bộ Công Thương 39 tỷ đồng, bằng 15,8% và giảm 14,2%; Bộ Thông tin và Truyền thông 28 tỷ đồng, bằng 17,5% và tăng 15,2%.

Vốn địa phương quản lý đạt 64,4 nghìn tỷ đồng, bằng 21,6% kế hoạch năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 43,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,7% và tăng 9,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 17,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23% và tăng 13,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, bằng 27% và tăng 11,9%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2019 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điển hình là: Hà Nội đạt 9.667 tỷ đồng, bằng 19,5% kế hoạch năm và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 4.712 tỷ đồng, bằng 12,8% và tăng 13,7%; Quảng Ninh 2.241 tỷ đồng, bằng 19,4% và tăng 35%; Thanh Hóa 2.191 tỷ đồng, bằng 28,1% và tăng 14,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu 1.998 tỷ đồng, bằng 30,3% và tăng 17,5%; Quảng Nam 1.870 tỷ đồng, bằng 25,2% và tăng 14,8%; Hải Phòng 1.800 tỷ đồng, bằng 19,9% và tăng 5,8%; Vĩnh Phúc 1.697 tỷ đồng, bằng 27,2% và tăng 2%./.