Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của ngành cao su tự nhiên lại giảm 17,4% (n/n) còn 1,2 tỷ USD trong tháng 7/2013 do giá xuất khẩu cao su bình quân giảm mạnh 17,8% (n/n) còn 2.448 USD/tấn. Điều này là do giá cao su thế giới giảm mạnh trong năm qua. Cụ thể, giá cao su RSS3 tại thị trường Thái Lan trong tháng 7/2013 giảm 20% (n/n) còn 2.700 USD/tấn và giá cao su Tocom (1st Generic) tại thị trường Nhật cũng giảm 22,8% (n/n) còn 2.700 USD/tấn.

Giá cao su tự nhiên thế giới giảm mạnh đến từ ba nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nguồn cung cao su tự nhiên thế giới được dự báo vẫn tiếp tục thặng dư trong năm 2013 và 2014. Nhóm Nghiên cứu cao su quốc tế (International Rubber Study Group) dự báo nguồn cung cao su có thể tăng 4% trong năm nay và nhu cầu cao su có thể tăng từ 2-5%. Do đó, thặng dư cao su thế giới năm nay có thể dao động trong khoảng 92.000-284.000 tấn. Tương tự, Ngân hàng Commerzbank cũng dự báo thặng dư cao su trong năm 2013 khoảng 179.000 tấn và trong năm 2014 khoảng 153.000 tấn.

Thứ hai, sự sụt giảm nhu cầu cao su tự nhiên của thị trường Trung Quốc do tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Trung Quốc là nước tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất, chiếm 1/3 sản lượng cao su thế giới. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua chạm mốc thấp nhất trong 11 tháng qua ở mức 47,7 điểm (dưới 50 báo hiệu sự suy giảm).

Thứ ba, ba nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã quyết định ngừng các biện pháp hỗ trợ giá cao su thế giới. Trước đó, ba quốc gia này đã cắt giảm 300.000 tấn sản lượng cao su xuất khẩu trong khoảng tháng 10/2012 đến tháng 3/2013 đễ hỗ trợ giá cao su thế giới. Tuy nhiên, biện pháp này không phát huy hiệu quả như kế hoạch. Vì vậy, không kỳ vọng giá cao su thế giới có thể hồi phục mạnh trong thời gian còn lại của năm 2013 cũng như nửa đầu năm 2014.

Do sự ảnh hưởng của xu hướng đi xuống của giá cao su thế giới, kết quả hoạt động trong tháng 6/2013 của các trong ty trong ngành cao su tự nhiên Việt Nam bị ảnh hưởng và giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể trong tháng 6/2013, lợi nhuận trước thuế của công ty Cao su Phước Hòa (PHR) giảm 50% (n/n) còn 170 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của công ty Cao su Đồng Phú (DPR) giảm 15% (n/n) còn 178 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của công ty Cao su Tây Ninh (TRC) giảm 19,7% (n/n) còn 99,5 tỷ; lợi nhuận trước thuế của Công ty Cao su Hòa Bình giảm 60% (n/n) còn 31,7 tỷ đồng.

Trong cả năm 2013, dự báo lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp trong ngành cao su tự nhiên giảm từ 10-43% (n/n). Vì vậy, khuyến nghị nhà đầu tư nên xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu ngành cao su tự nhiên trong danh mục đầu tư để chuyển sang các ngành khác có tỷ suất sinh lợi cao hơn./.

(Theo Báo cáo cập nhật của Maybank KimEng Việt Nam)

Trọng Đức