Ảnh minh họa/ Internet

Tổng phương tiện thanh toán tăng 6,05%

Tính đến thời điểm 18/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,05% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,03%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,09% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,76%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,22% (cùng kỳ năm 2018 tăng 6,1%).

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ; các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm; 9-11% đối với trung và dài hạn. Đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 4-5%/năm. Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý II/2019 ước tính tăng 15%

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý II/2019 tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý II/2019 ước tính tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 18%, phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10%.

Hệ thống các sản phẩm bảo hiểm được phát triển theo hướng mở rộng và đa dạng hóa với hơn 1.300 sản phẩm, trong đó có khoảng 450 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và khoảng 850 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Chất lượng sản phẩm bảo hiểm được cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của người tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm bảo hiểm mới đã tập trung vào yếu tố tài chính, liên kết đầu tư.

Thị trường bảo hiểm hiện có 64 doanh nghiệp (DN) kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 30 DNBH phi nhân thọ, 18 DN bảo hiểm nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 14 DN môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

6 tháng đầu năm 2019, tổng tài sản ước đạt 423.423 tỷ đồng (tăng 19,01% so với cùng kỳ năm trước); đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 342.869 tỷ đồng (tăng 26,17%); tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 263.996 tỷ đồng (tăng 16,08%); tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 71.147 tỷ đồng (tăng 24,35%); tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 91.456 tỷ đồng (tăng 28,8%); chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 18.653 tỷ đồng (tăng 19,61%); phí thu xếp qua môi giới ước đạt 4.215 tỷ đồng; hoa hồng môi giới ước đạt 383 tỷ đồng, tăng 4,2%.

TTCK huy động được 147,2 nghìn tỷ đồng

Thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế với tổng mức huy động vốn đạt 147,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm tháng 6/2019, thị trường cổ phiếu có 742 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 833 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.275 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cuối năm 2018; thị trường trái phiếu có 532 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.120 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1%.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên thị trường cổ phiếu đạt 4.472 tỷ đồng/phiên, giảm 31,7% so với giá trị giao dịch bình quân một phiên năm 2018; trên thị trường trái phiếu đạt 8.682 tỷ đồng, giảm 1,7%.

Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán đã có những đóng góp đáng ghi nhận đối với nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng, thị trường chứng khoán đã tạo điều kiện để Chính phủ đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, giúp cho Chính phủ và doanh nghiệp huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế và hoạt động kinh doanh.

Trong những năm qua, thị trường chứng khoán đã không ngừng tăng trưởng về quy mô và thanh khoản với tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu tính đến hết tháng 05/2019 đạt khoảng 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 78% GDP ước tính 2018, tăng 11,2% so với đầu năm 2019.

Sau 19 năm vận hành với những sản phẩm truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và gần đây là hợp đồng tương lai được triển khai vào tháng 08/2017, sự ra đời của sản phẩm chứng quyền có bảo đảm trong năm 2019 là một sự tiếp nối cần thiết nhằm hoàn thiện cấu trúc hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là sản phẩm giúp đa dạng hóa các lựa chọn đầu tư trên thị trường, làm tăng tính thanh khoản, hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững.

Sáng 28/6/2019, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức Lễ khai trương giao dịch chứng quyền có bảo đảm. Đây là cột mốc quan trọng trong quá trình hoạt động và phát triển của HOSE nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung./.