Đó là nhận định của các chuyên gia Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia.

Tỷ giá biến động mạnh

Tỷ giá USD/VND được duy trì tương đối ổn định trong 4 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, từ 09/5/2019, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã có đợt biến động mạnh.

Tính đến ngày 31/5/2019, tỷ giá bán ra tại một số ngân hàng thương mại vào khoảng 23.475 VND/1USD, tăng 0,95% so với đầu năm 2019 và 0,71% so với thời điểm đầu tháng 5/2019; tỷ giá trung bình giao dịch trên thị trường tự do ở mức 23.415 VNĐ/1USD, tăng 0,89% so với đầu năm 2019 và 0,65% so với đầu tháng 5 năm 2019.

Tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.065 VNĐ/1USD, tăng 1,1% so với đầu năm 2019 và tăng 0,13% trong tháng 5/2019.

Những ngày đầu tháng 6, tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm nhẹ. Tính đến ngày 15/6/2019, tỷ giá trung tâm giảm 0,02% so với thời điểm cuối tháng 5 và 0,04% so với thời điểm cao nhất trong tháng 5.

Tỷ giá bán ra tại một số ngân hàng thương mại giảm 0,36% so với cuối tháng 5, tỷ giá trung bình giao dịch trên thị trường tự do giảm 0,37% so với cuối tháng 5 và 0,39% so với mức cao nhất trong tháng 5.

Nguyên nhân vì sao?

Theo các chuyên gia của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, nguyên nhân của sự biến động trên là do ảnh hưởng từ diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự mất giá sâu của đồng Nhân dân tệ (NDT) trong tháng 5/2019.

Nửa đầu năm 2019, trên thị trường tài chính thế giới, lãi suất cơ bản của Mỹ được giữ nguyên đã khiến đồng USD vẫn tiếp tục theo xu hướng ổn định. Chỉ số USD hiện nay dao động ở mức khoảng 96 điểm.

Trong khi đó, kinh tế tăng trưởng tại khu vực đồng Euro khiến đồng đồng EUR vẫn duy trì ổn định so với đồng USD từ đầu năm 2019. Tỷ giá USD/EUR tháng 5/2019 duy trì ở mức 0,89 EUR đổi 1 USD (so với mức 0,88 EUR/USD từ đầu tháng 1/2019).

Kinh tế suy yếu cộng thêm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang đã khiến Trung Quốc tiếp tục có động thái can thiệp phá giá đồng NDT để hỗ trợ xuất khẩu.

Ngày 14/5/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã quyết định phá giá đồng NDT ở mức 0,6% lên 6,8365 NDT=1 USD.

Điều này đã khiến đồng NDT của Trung Quốc tiếp tục có xu hướng giảm giá so với đồng USD trong nửa đầu năm 2019.

Tính riêng trong tháng 5, đồng NDT đã mất giá khoảng 3%, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất khu vực châu Á.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên biến động của đồng NDT có tác động nhất định đến đồng VND.

Tỷ giá vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Hiện tại, tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước do chính sách điều hành kịp thời và linh hoạt dựa trên các yếu tố nền tảng, như: nguồn cung ngoại tệ vẫn khá ổn định, dự trữ ngoại hối hiện vẫn ở mức cao (tính đến hết tháng 6/2019, dự trữ ngoại hối đạt khoảng trên 64,5 tỷ USD) và triển vọng gia tăng nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ những thương vụ bán vốn lớn. Tuy nhiên, báo cáo phát từ Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia chỉ rõ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp. Giá trị đồng USD có xu hướng tăng lên, trong khi giá trị đồng NDT và một số đồng tiền trong khu vực có khả năng tiếp tục giảm. Điều này có tác động không nhỏ tới tỷ giá USD/VND.

Trong thời gian tới, nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng NDT để đối phó với Mỹ, áp lực giảm giá lên VND sẽ tăng lên đáng kể.

(1) NHNN sẽ phải tính đến khả năng chủ động hạ giá VND để hạn chế sự giảm sút sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với các quốc gia mới nổi khác;

(2) Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng dòng vốn đầu tư nhanh chóng rút khỏi các thị trường mới nổi do quan ngại suy thoái kinh tế tại Trung Quốc, theo đó gây sức ép lên VND.

Về khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, việc Trung Quốc phá giá NDT sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn và cạnh tranh với hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng tiêu dùng, làm gia tăng thâm hụt thương mại, đồng thời có thể làm gia tăng tình trạng buôn lậu.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc đồng NDT giảm giá cũng sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông, thủy sản của Việt Nam trở nên kém cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc, trong khi đây lại là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường.

Theo số liệu thống kê, tính đến 15/6/2019, VND đã lên giá so với NDT từ 0,5-0,7% so với thời điểm đầu tháng 4/2019. VND tăng giá so với NDT khiến cho hàng hoá từ Trung Quốc trở nên rẻ hơn tương đối so với hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chủ động hạ giá VNĐ có thể giúp hàng xuất khẩu Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc và các nước mới nổi khác, song Việt Nam sẽ lại đối mặt với nguy cơ bị Mỹ “gắn nhãn” là “quốc gia thao túng tiền tệ”.

Trước đó, ngày 9/5/2019, trong 3 tiêu chí để kết luận 1 quốc gia "thao túng tiền tệ", Bộ Tài chính Mỹ đã hạ thấp ngưỡng tiêu chuẩn thao túng tỷ giá đối với các đối tác thương mại ở tiêu chí thặng dư tài khoản vãng lai: lớn hơn 2% GDP (thay vì 3% như trước đây).

Theo đó, Việt Nam được cho là đã "đáp ứng" tiêu chí về thao túng tiền tệ. Ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam vào Danh sách các nước cần giám sát (gồm 9 nước).

“Khi đó Mỹ có thể áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam tương tự như với Trung Quốc. Với việc lọt vào Danh sách các quốc gia cần giám sát của Bộ Tài chính Mỹ (theo báo cáo ngày 29/5/2019 của cơ quan này), Việt Nam cần hết sức lưu ý trong điều hành chính sách tỷ giá thời gian tới”, báo cáo cảnh báo./.