Phó Thủ tướng: Không để địa phương nào thu giảm và tổng thu ngân sách phải tăng 5%

Bộ Tài chính và Bộ KHĐT phối hợp tốt trong việc thúc đẩy vốn đầu tư công

Tại Hội nghị Sơ kết trực tuyến ngành Tài chính năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh là thu từ khu vực DNNN, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tiến độ thu từ tháng 5 đến nay tuy có cao hơn cùng kỳ nhưng có dấu hiệu chậm lại và thấp hơn so với mức bình quân chung tiến độ thu NSNN.

Trước thực trạng này, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính đã kịp thời đánh giá, phân tích nguyên nhân dẫn đến các khoản thu có dấu hiệu chậm lại và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục trong thời gian tới.

Đối với vấn đề giải ngân vốn ODA, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ Tài chính đã tổ chức Chuyên đề với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án và 5 nhà tài trợ. Chuyên đề đã đánh giá khách quan, đưa ra các vướng mắc, trên cơ sở đó Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Bộ Tài chính cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần có sự vào cuộc đồng bộ rất kịp thời của các bộ, ngành và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như điều chỉnh dự án đầu tư; những vấn đề bố trí dự toán và điều chỉnh dự toán giải ngân vốn ODA...”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Về vấn đề giải ngân vốn, ông Nguyễn Đức Trung – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm đạt 32,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Con số này tuy không cao, nhưng trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính đã rất chủ động trong việc tổ chức các hội nghị tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, cũng như tham gia kiểm tra thực tế để tìm cách tháo gỡ vướng mắc.

Ông Trung cũng cho rằng, Bộ Tài chính đã phối hợp rất tốt với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy vốn đầu tư công.

“Với thực tế này thì kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 sẽ có kết quả khả quan hơn” – ông Trung cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự phối hợp, tham mưu cho Chính phủ trong việc thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế xã hội, cân đối các nguồn lực để thực hiện các dự án, chương trình trọng điểm quốc gia.

Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng như các bộ ngành khác trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh kê khai thuế điện tử, các thủ tục kê khai thuế được thực hiện thuận lợi, minh bạch.

Đồng thời, các đơn vị của Bộ Tài chính cũng phối hợp với các cơ quan đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện việc đăng ký kinh doanh chuyển hoàn toàn sang cấp mã số thuế tự động giúp giảm thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn 2 ngày.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các thủ tục về hóa đơn, đề xuất miễn các khoản phí cho doanh nghiệp mới thành lập, góp phần nâng cao chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cũng bày tỏ trong 6 tháng cuối năm 2019, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện hiệu quả kịp thời các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô 2019; phối hợp triển khai Luật Đầu tư công năm 2019 và đặc biệt là xây dựng hướng dẫn triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 phù hợp với kế hoạch ngân sách trong giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung chỉ rõ, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với nhau

Kiên định mục tiêu tăng trưởng, thu chi ngân sách

Đánh giá qua nửa chặng đường kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, NSNN của năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng đạt mức khá, 6,76%, kiểm soát được lạm phát.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhận định rằng, thu NSNN gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm khi thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, ngoài quốc doanh có xu hướng thấp hơn. Một số địa phương thu trọng điểm thu ngân sách vừa qua đạt thấp như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai...

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn ODA chậm, mới đạt 32,4% dự toán, thấp hơn cùng kỳ năm 2018, là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế mà chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ.

Cổ phần hoá còn chậm vì vướng mắc thể chế, tổ chức thực hiện và cách hiểu khác nhau về các Nghị định số 126, 132, 167 của Chính phủ; vướng nhất là sắp xếp nhà đất và xử lý tồn đọng về tài chính của doanh nghiệp Nhà nước. Cho rằng đây là trách nhiệm chính của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cần nhanh chóng hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Bộ cần nhanh chóng bãi bỏ hoặc bổ sung các văn bản hướng dẫn còn chưa rõ ràng, đang gây khó cho doanh nghiệp như văn bản hướng dẫn cấp C/O của xăng dầu, văn bản khống chế lãi vay của các doanh nghiệp liên kết theo Nghị định số 20 của Chính phủ và sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư.

“Mặc dù còn nhiều trở ngại trong hoàn thiện pháp luật và nhiệm vụ thu chi ngân sách, nhưng Bộ Tài chính phải tiếp tục chủ động tháo gỡ. Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ rất rõ, Chính phủ chỉ “bàn tiến” chứ không “bàn lùi”, kiên định mục tiêu tăng trưởng, thu chi ngân sách và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác. Không để cho địa phương nào thu giảm và tổng thu ngân sách phải tăng 5%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính trong dài hạn, rà soát lại tỷ lệ động viên thu ngân sách theo các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị theo hướng tăng tỷ lệ điều tiết ở một số lĩnh vực như thuế tiêu thụ đặc biệt để vừa bảo đảm sản xuất, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, có lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT.

“Tinh thần thu ngân sách chặt chẽ và thông thoáng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để thu, chứ không chỉ đơn giản là thu thuế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh vào cuối năm 2019; phát triển thu thuế điện tử theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công và ODA, bảo đảm bội chi NSNN trong giới hạn Quốc hội cho phép, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư; tăng cường ổn định giá cả, dự báo cung-cầu theo mục tiêu điều hành lạm phát từ 3,3-3,9%.

Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát hàng hoá tạm nhập tái xuất khi hoạt động này đang có dấu hiệu tăng lên trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường khác./.