Đây là một chủ đề lớn được đề cập trong Hội thảo “Phát triển hệ thống tài chính Việt Nam góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng” do Viện Ngân hàng Tài chính (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng Ngân hàng Bản Việt đồng tổ chức sáng 24/4 tại Hà Nội.

Theo TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Học viện Chính sách và Phát triển, từ việc đánh giá 4 góc độ tương quan của hệ thống tài chính của Việt Nam (độ sâu, khả năng tiếp cận tài chính, tính hiệu quả và sự ổn định) và so sánh tương quan với các nước trong khu vực và thế giới, có thể thấy, hệ thống tài chính ở nước ta tuy đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn đang ở những nấc thang đầu tiên, thể hiện ở các khía cạnh: quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận tài chính, tính hiệu quả trung bình thấp và mức độ rủi ro cao.

Và TS. Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh đến 4 “lực cản” đã và đang cản trở sự phát triển của hệ thống tài chính:

Một là, xu hướng “tự do hóa tài chính ngược”hay kiềm chế tài chính:

Tự do hóa tài chính là giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ và giao dịch tài chính. Song gần đây, quá trình này đang bị đảo ngược. Cơ quan quản lý mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước có xu hướng tăng cường sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào thị trường trong những năm gần đây. Điển hình là việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ như áp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng, áp đặt lãi trần huy động, quy định độc quyền trên thị trường vàng miếng.

Theo PGS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, cần phải có sự điều chỉnh linh họat với tín hiệu thị trường và trong thời gian sớm nhất phải trả lại cho bàn tay vô hình tự điều tiết để tránh làm méo mó thị trường, gây ra sự mất công bằng trong cạnh tranh, phát sinh lợi ích nhóm… và nếu để lâu dài sẽ dẫn đến sự suy giảm chức năng của hệ thống tài chính.

Hai là, hệ thống kiểm tra giám sát còn yếu và không hiệu quả:

Nguyên nhân phổ biến nhất trong phần lớn các cuộc khủng hoảng ngân hàng do thiếu một hệ thống thanh tra giám sát chặt chẽ và hiệu quả. Hiện nay các cơ quan giám sát của Việt Nam vừa làm chức năng cấp phép, vừa điều hành và ban hành các cơ chế chính sách lại vừa kiêm luôn cả chức năng thanh tra giám sát các tổ chức tài chính. Khi quyền lực tập trung quá lớn có thể sẽ dẫn đến xung đột lợi ích và hiệu quả giám sát không cao.

Do vậy, việc tách chức năng thanh tra giám sát ra khỏi chức năng của Ngân hàng Nhà nước và giao cho một cơ quan độc lập trực thuộc chính phủ là cần thiết để đảm bảo việc giám sát được hiệu quả.

Nhấn mạnh đến vai trò của giám sát tài chính, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, có nhiều phương pháp để giám sát và cách tiếp cận cho Việt Nam đó là nhấn mạnh đến vai trò của Ngân hàng Trung ương. Trước đây chúng ta cho rằng, tự do hóa tài chính có thể làm chậm lại quá trình phát triển của hệ thống tài chính, thậm chí có một số dấu hiệu cho thấy bị đảo ngược, nhưng “chắc chắn cần phải tự do hóa tài chính và phải có lộ trình thích hợp, phù hợp với khả năng giám sát, khả năng phát triển của hệ thống tài chính của Việt Nam trong thời gian tới”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ba là, quy định pháp lý đối với các tổ chức tài chính và thị trường tài chính còn lỏng lẻo trong khi chế tài cũng không đủ mạnh:

Đây là một điểm yếu lớn trong môi trường của hệ thống tài chính Việt Nam góp phần gây ra những vấn đề, tồn tại trong hệ thống các ngân hàng và tổ chức tài chính hiện nay. Quá trình tự do hóa tài chính bằng cách cho phép thành lập quá nhiều các công ty tài chính, và cho phép chuyển đổi quá nhiều các ngân hàng cổ phần nông thôn lên thành thị, trong khi không nâng cấp kịp thời các quy định an toàn họat động đã dẫn đến những bất ổn cho hệ thống tài chính hiện nay.

Bốn là, hệ thống thông tin còn yếu và thiếu:

Để hệ thống tài chính họat động hiệu quả, thực hiện được chức năng phân tán, phòng tránh rủi ro thì hệ thống thông tin là rất quan trọng. Đặc biệt, mức độ minh bạch của các cơ quan quản lý đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước còn thấp. Rất nhiều trường hợp các tiêu chí họat động không được công khai hay giải thích rõ ràng gây ra những nghi ngờ về việc tồn tại các nhóm lợi ích. Các tiêu chí về các ngân hàng phải tái cấu trúc, các tiêu chí phân loại để cấp hạn mức tín dụng không rõ ràng và minh bạch… Thậm chí việc cung cấp các thông tin không đầy đủ và kịp thời là lý do dẫn đến các tin đồn có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường tài chính, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và các thành viên trên thị trường tài chính.
Để giải quyết vấn đề này, TS. Nghĩa cho rằng, các cơ quan quản lý cần minh bạch hơn, có lộ trình và lịch trình công bố thông tin đầy đủ và rõ ràng, đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần phải phản ứng nhanh, kịp thời đính chính các thông tin trên thị trường. Cần nhanh chóng có các quy định và chế tài mạnh về công bố thông tin để ngăn chặn tình trạng tin đồn thất thiệt./.

Lê Vân