Thực hư chuyện đổi tiền?

Tin đồn đổi tiền lan đi từ giữa tuần trước, khi có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh chủ đề sửa đổi Hiến pháp, đổi tên nước trong khi Mặt trước các tờ bạc đang lưu hành đều có dòng chữ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Với giả thiết đổi tên nước thành "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", một số ý kiến lo lắng tiền sẽ phải in lại. Đây được cho là lý do khiến tin đồn đổi tiền bùng phát.

Tin đồn thất thiệt này được xác định là một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá USD “nhảy múa” mấy ngày gần đây, trong đó có thời điểm lên đến 21.500 VND/USD.

Trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, không có chủ trương này.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, vừa qua, xuất hiện tin đồn cho rằng sắp tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể thay đổi đồng tiền đang lưu hành bằng đồng tiền mới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định không có chủ trương đổi tiền và không có bất kỳ một sự thay đổi nào với đồng tiền đang lưu hành hiện nay.

Cơ quan này cũng “bác” thông tin rằng sẽ phát hành phát hành tờ tiền mệnh giá một triệu đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua và hiện nay, giá trị đồng Việt Nam khá ổn định, cơ cấu của bộ tiền đang lưu thông hiện nay vẫn phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo, người dân bình tĩnh, yên tâm sử dụng đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Không có bất kỳ một sự thay đổi nào với đồng tiền đang lưu hành hiện nay.
Phát biểu trên báo Lao động, chiều ngày 21/4, ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: “đây là thông tin bịa đặt. Có thể thông tin này xuất phát từ việc góp ý hiến pháp về thay đổi tên nước. Từ đó một số người suy diễn rằng sẽ phải in lại đồng tiền, như thế là Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi tiền.

Ông Thành cũng cho biết, mỗi cuộc đổi tiền nếu có sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng và công phu với sự đồng ý của cơ quan lãnh đạo cao nhất cùng với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng.

“Một đề án như vậy sẽ đòi hỏi thời gian chuẩn bị, triển khai rất dài. Đơn cử như để đáp ứng việc đổi tiền thì Ngân hàng Nhà nước phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn, tương ứng lượng tiền mặt đang lưu hành”, ông Thành cho biết.
Trong khi đó Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông rất cao. Thậm chí để in được lượng tiền mặt như thế thì phải mất vài năm. Chi phí cho thực hiện kế hoạch đổi tiền như thế là vô cùng lớn.

Ngoài ra, thực hiện đổi tiền cần căn cứ vào rất nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế xã hội có phù hợp không? Cơ cấu đồng tiền còn hợp lý không? Hay bộ tiền có bị làm giả quá nhiều không khiến người dân mất lòng tin vào đồng tiền? Và với những căn cứ đó thì ở tình hình hiện nay, không có lý do gì để thực hiện việc đổi tiền.

“Do đó, không thực hiện dễ như nhiều người suy diễn”, ông Thành khẳng định.

Ứng xử thế nào với tin đồn?

Thực tế, chỉ tính trong những tháng đầu năm 2013, tin đồn thất thiệt lan ra đã gây nhiều hệ lụy. Điển hình như trong tháng 2/2013, người trồng ngô ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long khốn đốn khi bị kẻ xấu tung tin đồn rằng, bắp được nông dân trồng và luộc bằng hóa chất. Mặc dù thông tin này đã được Bộ Y tế bác bỏ, nhưng tin đồn sai sự thật này đã gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất của nông dân cũng như gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Cũng thời gian này, nông dân vùng vựa chuối Quảng Ngãi không thể bán được vì tin đồn ăn chuối bị ung thư. Nhiều nông dân thiệt hại hàng chục triệu đồng vì chuối chín rục ngoài vườn, đành vứt bỏ làm thức ăn cho gia súc.
Trước đó, những tin đồn về chuyện ăn bưởi bị ung thư, tin đồn cá diêu hồng có chứa chất cấm, cá kèo có chất gây ung thư... cũng khiến người nông dân điêu đứng, còn người tiêu dùng không dám sử dụng.

Đó là chưa kể đến những tin đồn đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường tài chính, chứng khoán như các tin đồn về cung - cầu ngoại tệ, cung - cầu vàng…

Trong thời đại bùng nổ thông tin, chuyện có những tin đồn là không thể tránh khỏi. Những tin đồn đó lan ra nhanh chóng, mà hệ quả là, một phần không nhỏ tầng lớp trong xã hội bị ảnh hưởng. Vấn đề là, phải làm sao “sống chung” với tin đồn?

Cảnh giác với tin đồn là điều tất nhiên. Mọi thông tin cần được kiểm chứng rõ ràng, nhất là trước mỗi quyết định đầu tư hay kinh doanh nào đó. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng cần có những động thái cương quyết từ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc dẹp bỏ và loại trừ các tin đồn không đáng có. Thậm chí, cần có chế tài đối với các hành vi tung tin thất thiệt.

Điều đáng tiếc, cho đến nay, chưa phát hiện và xử lý được những kẻ chủ mưu tung tin đồn nhảm, gây thiệt hại cho cộng đồng.

Trí Dũng