8 phiên đấu thầu: 7 phiên thành công mỹ mãn

Phiên đấu thầu vàng thứ 8 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra trong ngày hôm nay (15/4) đã thành công khi số dư chỉ còn 300 lượng trên tổng số 40.000 lượng vàng được chào bán.

Như vậy, trừ phiên đấu thầu đầu tiên với 24 nghìn lượng vàng bị “ế”, Ngân hàng Nhà nước đã có 7 phiên đấu thầu vàng thành công.
Mức giá sàn của phiên hôm nay là 40,7 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn giá doanh nghiệp mua vào trên thị trường sáng nay thì mức giá sàn này cao hơn khoảng 500.000 đồng/lượng.
Cụ thể, ở thời điểm khoảng 9h, tức là khi phiên đầu thầu chính thức diễn ra, tại thị trường Tp.HCM, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá 40,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 40,9 triệu đồng/lượng (bán ra).
Sau đó, giá vàng ngoài thị trường tăng nhẹ. mức cao hơn, thì mức giá thu mua theo niêm yết của các doanh nghiệp vẫn chưa thể đuổi kịp mức giá sàn của phiên đấu giá.
Tính đến gần 12h trưa nay, Công ty SJC đưa mức mua vào mức 40,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá sàn đấu giá 100.000 đồng/lượng. Giá vàng bán ra tại doanh nghiệp này cùng thời điểm là 41 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý lúc gần 12h trưa là 40,68 triệu đồng/lượng và 40,95 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).
Điều đáng nói là, tuy giá sàn của phiên hôm nay cao hơn thị trường, nhưng cũng không có đơn vị nào may mắn mua được vàng với giá tối thiểu. Mức giá trúng thầu thấp nhất là 40,71 triệu đồng/lượng và cao nhất là 40,8 triệu đồng/lượng.
Việc khoảng cách giữa giá trúng thầu thấp nhất và cao nhất lên tới 90.000 đồng/lượng, cao hơn ở một số phiên trước cho thấy, có những đơn vị sẵn sàng “bất chấp” để mua được vàng.
Do chênh lệch giữa giá mua và bán vàng trên thị trường đang ở mức cao, khoảng 300.00-400.000 đồng/lượng, nên mua được vàng với giá trên, các đơn vị trúng thầu vẫn có thể có lãi đáng kể. Tuy nhiên, so với hôm qua, thì khả năng sinh lợi cho các đơn vị trúng thầu của phiên hôm nay có vẻ như thấp hơn, bởi hôm qua, giá mua-bán vàng chênh nhau cả triệu đồng mỗi lượng.
Có 16/21 đơn vị tham gia đấu thầu mua được vàng trong phiên này. Trong đó, đơn vị trúng nhiều nhất mua được 5.000 lượng, trúng ít nhất mua được 900 lượng.
Như vậy, sau 8 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” ra thị trường 223.600 lượng vàng, tương đương 8,6 tấn vàng.

Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích đầu cơ

Trao đổi với Tiền Phong ngày 16/4, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận việc giá vàng thế giới biến động mạnh đang là khó khăn không nhỏ đối với cơ quan này trong việc thực hiện mục tiêu ổn định thị trường.

Tuy nhiên, NHNN lưu ý mức giá đấu thầu đưa căn cứ vào giá giao dịch có thực của thị trường chứ không chạy theo giá rơi thế giới.

“Khi đưa giá bán vàng ra qua các phiên đấu thầu NHNN phải cân nhắc thận trọng trên tổng thể nền kinh tế. Nếu bám sát giá thế giới để bán thì từ hôm nọ đến giờ NHNN đã lỗ rất nặng rồi. Chưa kể, bây giờ việc đưa ra mức giá bán quá thấp có thể sẽ tạo cơ hội cho những người đầu cơ. Và mức giá thấp có thể làm nhen lên sức hấp dẫn về vàng của người dân” - Vị đại diện trên khẳng định.

Trước câu hỏi giá vàng thế giới đang đà giảm mạnh, tại sao NHNN không tính đến chuyện cho phép nhập khẩu vàng để kéo sát khoảng cách chênh lệch, vị đại diện trên phân tích: “Chúng tôi đã tính toán, những năm trước, cứ mỗi lần sốt giá vàng, trước sức ép trong nước Ngân hàng Nhà nước cứ cho nhập cả chục tấn vàng nhưng kết quả là “sốt vẫn hoàn sốt” và số lượng vàng khổng lồ đó mỗi lần đem về lại được sử dụng vào một việc “đem chôn” chứ không phục vụ gì cho phát triển nền kinh tế (hiện ước có khoảng 400- 500 tấn vàng đang nằm trong dân).

Hơn nữa, nếu Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng về sẽ gây sức ép lên tỷ giá, cung cầu ngoại tệ trong khi mục tiêu của chúng tôi là bình ổn thị trường chứ không chạy theo bình ổn giá.

“Ngân hàng Nhà nước cũng không khuyến khích người dân chạy theo đầu cơ mua bán vàng”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Mặc dù nguồn cung tăng liên tục nhưng giá vàng trong nước vẫn đang giữ khoảng cách lớn so với giá thế giới. Lúc hơn 10h trưa 17/4, giá vàng thế giới quy đổi tương đương 35 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ hơn 6 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh cao nhất từ trước đến nay của giá vàng trong nước so với thế giới.

Vàng “nhảy múa”: Ai cười, ai khóc?

Nhiều doanh nghiệp, và cả một số chuyên gia cũng thể hiện sự “không thoải mái” cho rằng, càng đấu thầu, thì giá vàng trong nước càng gia tăng cách biệt với giá vàng thế giới. Và, ở thế độc quyền nhập khẩu, sản xuất, định giá, Ngân hàng Nhà nước đã hưởng lợi lớn từ việc đấu thầu và là người kinh doanh vàng chứ không phải là người bình ổn giá.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi, ai là người đang được lợi qua việc giá vàng chênh lệch sau phiên đấu giá vàng? Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng, định bản thân người dân nếu không chạy theo mục đích đầu cơ thì đều không hề bị ảnh hưởng.

“Còn Ngân hàng Nhà nước nếu có bán được vàng giá bao nhiêu, những đồng tiền đó chỉ chảy về cho ngân sách quốc gia chứ không hề có vụ lợi nào khác”, vị này khẳng định.

Thực tế, ngay từ đầu, Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện rõ chính kiến “không muốn bình ổn giá”. Mục tiêu trước hết của Ngân hàng Nhà nước là nhằm định hướng, dẫn dắt thị trường, Ngân hàng Nhà nước không đặt mục tiêu lợi nhuận. Khi can thiệp trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng phải tuân thủ các quy định liên quan tới an toàn dự trữ ngoại hối quốc gia.

Trong thông cáo phát đi hôm 12/4, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng trong bối cảnh thị trường thế giới biến động phức tạp, khó lường, các phiên đấu thầu đã giúp tăng cung, và giảm áp lực mua trên thị trường. Thời gian tới sẽ liên tục tổ chức các phiên đấu thầu với khối lượng đủ lớn nhằm mục tiêu bình ổn thị trường vàng.

Có thể nói, mục tiêu này của Ngân hàng Nhà nước đã được thực hiện. Còn việc phải đưa được giá trong nước sát với giá vàng thế giới, thì là “không tưởng”. Điều này đã được nhất quán từ nửa năm trước, khi trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: Không có sự liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới, và cơ quan này chỉ thực hiện chức năng “bình ổn thị trường vàng” mà thôi.

Không những đạt được mục tiêu mà với việc đấu thầu thành công, Ngân hàng Nhà nước cũng có được món lãi “khủng”, để đưa vào ngân sách nhà nước.

Còn các đơn vị trúng thầu thì thế nào? Phát biểu trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty PNJ, cho biết giao dịch trên thị trường chỉ theo chiều mua, người nắm giữ vàng không ai chịu bán ra. Như thế, nói các DN đã lỗ hay lãi, mới chỉ là… phỏng đoán Vậy thì cái sự kẻ khóc, người cười ở đây, chỉ người trong cuộc mới thực sự thấu hiểu. Hàng triệu dân đã, đang và sẽ mua – bán vàng vẫn cứ tiếp tục phập phồng.

Còn Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục khuyến cáo: “Không khuyến khích người dân đầu cơ”, tức là không có chuyện đảm bảo cho người dân nếu họ “lỡ” mua lúc cao, bán lúc giảm!

An Nhi