Giải ngân vốn đầu tư hiện vẫn thấp so với kế hoạch

Đồng Nai giải ngân vốn kế hoạch thấp nhất vùng

Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn kế hoạch 2019 của Vùng đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 73.667,045 tỷ đồng.

Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 62.071,131 tỷ đồng; Tổng vốn ngân sách trung ương là 11.595,914 tỷ đồng.

Số vốn kế hoạch 2019 của Vùng đã được Thủ tướng Chính phủ giao 73.667,045 tỷ đồng, so với số vốn đã được Quốc hội thông qua và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo tại Văn bản 7446/BKHĐT-TH là 73.976,610 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 99,6 % so với số Quốc hội thông qua).

Số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa giao là 309,565 tỷ đồng, trong đó: vốn trái phiếu chính phủ là 10 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu 27,864 tỷ đồng, vốn nước ngoài 271,701 tỷ đồng.

Số vốn chưa giao đối với các dự án có ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước do phải điều chỉnh mục tiêu, đối tượng của Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng là 27,864 tỷ đồng của 3 địa phương: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, số vốn ngoài nước ODA chưa giao 271,701 tỷ đồng, nguyên nhân do một số dự án đang điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn.

Số vốn trái phiếu chính phủ 10 tỷ đồng, nguyên nhân dự án đã bố trí đủ 90% TMĐT, nếu bố thêm 10 tỷ đồng không phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân toàn vùng đến 30/7/2019 là 18.649 tỷ đồng (chỉ tính phần vốn đã được trái phiếu chính phủ giao đến 31/7/2019) đạt 25,35%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (36,16%).

Tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm 2019 của các tỉnh trong Vùng thấp so cùng kỳ năm 2018, đặc biệt đối với 2 nguồn vốn: vốn ODA và vốn trái phiếu chính phủ; đối với vốn ODA là khâu thực hiện trình tự, thủ tục kéo dài hiệp định, điều chỉnh vốn, ký kết thỏa thuận vay lại vốn ODA; đối với vốn trái phiếu chính phủ là triển khai thực hiện giải ngân số vốn còn lại của kế hoạch 2018.

Vùng không có địa phương nào có mức giải ngân đạt 60% kế hoạch đã giao. Có 03 địa phương có mức giải ngân thấp dưới 40% kế hoạch đã giao, gồm: thành phố Hồ Chí Minh (20,88%), Bình Dương (32,41%); thấp nhất là Đồng Nai (13,34%).

Các địa phương còn lại có mức giải ngân từ 40% đến 60%.

Chậm do đâu?

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng giải ngân thấp của Vùng là do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, còn tâm lý chủ quan của một số địa phương về việc được kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm.

Thứ hai, nhiều dự án đầu tư nguồn vốn ODA kế hoạch 2019 gặp vướng mắc liên quan đến ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn ODA, thuế nhập khẩu, kiểm soát chi tại Kho bạc nhà nước, thủ tục ghi thu - ghi chi với Bộ Tài chính, thực hiện kế hoạch đấu thầu mua sắm tập trung. Ngoài ra, các nguyên nhân chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu và đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng để thực hiện công tác chuẩn bị hồ sơ cũng làm giải ngân chậm đối với vốn ODA.

Thứ ba, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ chậm do một số địa phương đang tập trung giải ngân số vốn được phép kéo dài thủ tục từ năm 2018. Trong đó dự án BT, giải phóng mặt bằng tái định cư sân bay Long Thành đã được giao vốn nhưng giải ngân rất thấp.

Thứ tư, các địa phương còn lúng túng khi thực hiện quy định về phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư trước 31/10 áp dụng đối với kế hoạch 2019. Khoản 3, Điều 1 Nghị định 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ quy định “Đối với vốn chuẩn bị đầu tư hoặc dự án chuẩn bị đầu tư phải có quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư (CBĐT) của cấp có thẩm quyền quyết định đến ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch”.

Do thời gian ban hành Nghị định 120/2018/NĐ-CP (giữa tháng 9/2018) sát với thời hạn phê quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư, dự toán (31/10/2018) nên một số địa phương không kịp triển khai thực hiện trong kế hoạch 2019, đặc biệt các dự án chuẩn bị đầu tư từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

Thứ năm, năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thủ tục đầu tư trong đầu tư xây dựng cơ bản; chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; chưa sâu sát, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công kịp thời; chậm triển khai các thủ tục và các vấn đề liên quan đến công tác giải ngân của các dự án; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương.

Cần phải làm gì?

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương thực hiện 3 giải pháp.

Một là, khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết đối với kế hoạch vốn năm 2019 mới được giao đợt 2.

Hai là, rà soát kết quả giải ngân chi tiết của từng dự án đến hết tháng 7 năm 2019 để có những chỉ đạo quyết liệt, cắt giảm vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ và có nhu cầu bổ sung vốn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại văn bản số 179/TB-VPCP ngày 08/5/2019 và văn bản số 6480/VPCP-KTTH ngày 22/7/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Ba là, đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần phối hợp các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn./.