Bốn nhược điểm lớn

Một là, hệ thống chính sách thuế còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, phù hợp và sát với thực tế gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Đối với các quốc gia trên thế giới, khi xây dựng một sắc thuế, họ đều chú trọng đến yếu tố ổn định. Bởi, điều đó sẽ tạo điều kiện cho người nộp thuế có kế hoạch và chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Tuy nhiên, ở nước ta, chính sách về thuế nhìn chung còn thiếu tính ổn định và đồng bộ. Ví dụ như Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 01/7/2007, nhưng các văn bản hướng dẫn lại được xây dựng rải rác từ cuối năm 2007 đến năm 2008 và trong 6 tháng đầu năm 2009 mới tạm coi là đủ. Tương tự, Luật Doanh nghiệp mặc dù có hiệu lực từ năm 2005, nhưng mãi tới năm 2008 mới có nghị định hướng dẫn thực hiện. Chính sự không đồng bộ này đã dẫn đến hiện tượng chồng chéo trong chỉ đạo và tổ chức thu thuế, do vừa phải theo cái mới, vừa theo cái cũ, làm giảm hiệu quả của hoạt động quản lý thu thuế.

Bên cạnh đó, hệ thống các chính sách thuế cũng chưa đạt mục tiêu “đơn giản, rõ ràng, thống nhất” được đặt ra trong quá trình cải cách. Cụ thể như Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp quy định đối tượng nộp thuế bao gồm cả các cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thì cá nhân kinh doanh không phải là doanh nghiệp.

Hai là, hệ thống chính sách thuế chưa bao quát và điều tiết hết các nguồn thu trong nền kinh tế và chưa thật sự đảm bảo bình đẳng, công bằng về nghĩa vụ nộp thuế và phù hợp với thông lệ quốc. Điều đó đã dẫn đến những bất cập khi đất nước trở thành thành viên chính thức của WTO, gây khó khăn cho người nộp thuế và người thu thuế, cụ thể là:

- Trong khi các nước trên thế giới khi tính thuế giá trị gia tăng chỉ sử dụng một phương pháp tính thuế (phương pháp khấu trừ), thì ở nước ta hiện nay vẫn sử dụng hai phương pháp (khấu trừ và trực tiếp). Việc áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp đã gây ra nhiều bất hợp lý, không thể hiện tính ưu việt và thống nhất của thuế giá trị gia tăng, đồng thời gây khó khăn, giảm hiệu quả cho công tác quản lý thu thuế.

- Thuế giá trị gia tăng vẫn bao gồm nhiều mức thuế suất (0%, 5%, 10%) tạo điều kiện cho người nộp thuế lợi dụng để, gian lận và trốn lậu thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước, thậm chí “chạy chọt”, hối lộ để được cán bộ ngành thuế “nương tay”.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, thời gian qua, việc phát hiện và xử lý vi phạm về thuế chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ trong số các vụ vi phạm. Thậm chí, có những cán bộ, viên chức nhà nước cũng cố tình che giấu, gian lận, không khai báo thuế khi cho thuê mặt bằng… Tâm lý đối đầu với cơ quan thuế gần như đã phổ biến.

- Việc tính thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao còn phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Ba là, sự hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách thuế của người dân chưa đồng đều và sâu sắc. Hầu hết người nộp thuế không thấy được những đóng góp của họ đối với sự phát triển chung của xã hội, của cộng đồng, của địa phương. Do đó, nhiều trường hợp chây ỳ hoặc cố tình vi phạm các quy định hiện hành; chưa có sự chuyển biến rõ rệt về tính tuân thủ, tự nguyện, nâng cao trách nhiệm pháp luật về thuế và nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước.

Bốn là, chưa chú trọng ứng dụng những tiến bộ về khoa học, công nghệ trong công tác thuế. Mặc dù các quy trình hoạt động thu thuế, quản lý thuế đều được sử dụng các ứng dụng tin học, nhưng do chưa được triển khai một cách đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Những vướng mắc, bất cập giữa các quy trình, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong sử dụng ứng dụng tin học chưa được giải quyết một cách triệt để do môi trường làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ cán bộ quản lý còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số đề xuất

Thứ nhất, đổi mới hệ thống thuế theo hướng thích ứng dần với cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm được nguồn tài chính để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, hệ thống chính sách thuế đã từng bước giảm dần sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính trong thu - nộp thuế cũng đã được đơn giản hóa, công tác quản lý thuế được đổi mới và dần được hiện đại hóa.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn thu từ thuế cần thực hiện tốt các nội dung sau:

- Xác định và hoàn chỉnh cơ cấu thu thực sự vững chắc, ổn định và bền vững trong huy động nguồn lực.

- Tăng tỷ trọng số thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ổn định số thu từ khu vực kinh tế nhà nước.

- Chính sách thu thuế không nên lồng ghép quá nhiều mục tiêu trong từng hình thức động viên, trong khi các mục tiêu chính sách lại mâu thuẫn nhau, khiến cho một số mục tiêu khó thực hiện được.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế, đảm bảo sự công bằng trong nộp thuế. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện mô hình quản lý theo chức năng, bước đầu đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện Luật Quản lý thuế, thực hiện cơ chế “người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế” góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách và hiện đại hoá công tác quản lý thuế.

Đẩy mạnh cải cách hành chính về thuế, duy trì và phát huy kết quả đạt được góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế thông qua kiểm soát tình hình kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân. Đảm bảo 100% người nộp thuế nộp tờ khai đúng hạn, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp để có biện pháp chấn chỉnh; tăng cường công tác kiểm tra thuế và hoàn thuế; xử lý truy thu quyết liệt đối với các trường hợp đã kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong năm; cương quyết áp dụng các biện pháp xử lý và cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ nộp thuế.

Bên cạnh đó, cần thay đổi hình thức tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ: qua mạng internet, địa chỉ mail, đường dây nóng, điện thoại, tọa đàm, họp báo hoặc trả lời trực tiếp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mọi người. Tăng cường sự phối hợp của chính quyền các cấp với cơ quan thuế trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và mọi người dân.

Đồng thời, phối hợp triển khai có hiệu quả và bổ sung kịp thời hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành, của các doanh nghiệp và của người nộp thuế, nhằm tạo thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế với các bên liên quan. Từ đó, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn lậu thuế. Đồng thời, giúp việc kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý sử dụng hóa đơn... của các doanh nghiệp và người nộp thuế một cách nhanh chóng, thuận tiện và chính xác.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác quản lý thu thuế. Cụ thể cần:

- Thường xuyên đánh giá phân tích tình hình thu trên tất cả các lĩnh vực, các sắc thuế từ đó có các giải pháp cụ thể để quản lý, chỉ đạo và tham mưu thu hiệu quả. Tập trung đôn đốc quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu thu thuế môn bài; chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện tốt các luật thuế mới: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường... Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành thực hiện tốt việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

- Thường xuyên phối hợp với các ngành trong công tác thu, tuyên truyền về thuế. Đồng thời, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kê khai và kế toán thuế là một nội dung quan trọng trong quản lý thuế, là nguồn dữ liệu đầu vào để xác định, theo dõi và quản lý thu ngân sách thông qua việc quản lý số lượng người nộp thuế, các tờ khai thuế hằng tháng, chứng từ thu, nộp ngân sách...

- Tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo 100% người nộp thuế nộp tờ khai đúng hạn, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp để có các biện pháp chấn chỉnh, xử phạt nghiêm.

- Tăng cường công tác đối chiếu để theo dõi, đôn đốc, xử lý kịp thời và làm đầy đủ các thủ tục đóng mã số thuế đối với các đơn vị không còn hoạt động, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm thủ tục về đăng ký thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tăng cường công tác kiểm tra thuế và hoàn thuế, kiểm tra việc tính và kê khai số thuế được miễn, giảm, giãn theo Nghị quyết của Chính phủ.

Thứ tư, nâng cao công tác quản lý và đôn đốc thu nợ thuế. Quản lý nợ thuế là một lĩnh vực quan trọng trong công tác quản lý thuế hiện đại. Để thực hiện tốt công tác đôn đốc thu nợ thuế trong điều kiện hiện nay, cần phải:

- Tiếp tục triển khai công tác rà soát, đối chiếu, điều chỉnh nợ thuế đối với tất cả các doanh nghiệp, xử lý kịp thời các khoản nợ ảo.

- Thực hiện tốt quy trình quản lý nợ thuế và quy trình cưỡng chế nợ thuế; Phân loại nợ thuế, phân tích tình trạng nợ, tình hình tài chính của doanh nghiệp; Cương quyết áp dụng các biện pháp xử lý và cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ nộp thuế, giảm tỷ lệ nợ cũ và hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế đặt ra.

- Thực hiện các biện pháp xử lý nợ thuế: khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Thứ năm, làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Mục tiêu của ngành thuế đến năm 2015, tỷ lệ hài lòng của người nộp thuế sẽ đạt mức 70%. Để đạt được mục tiêu trên, ngành thuế cần phải thực hiện một số giải pháp, như: (i) Bổ sung nghĩa vụ của người nộp thuế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển phương thức quản lý thuế điện tử theo hướng yêu cầu người nộp thuế sử dụng hoá đơn, kê khai, nộp thuế và giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử, nếu đủ điều kiện về công nghệ thông tin; (ii) Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để phân loại người nộp thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật về thuế.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền về chính sách thuế. Nội dung tuyên truyền cần hướng trọng tâm vào các tụ điểm kinh tế, nơi có đông dân cư, tập trung tuyên truyền để triển khai thực hiện tốt quy định mới về hoá đơn theo tinh thần Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về việc doanh nghiệp tự in hóa đơn. Biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với nhà nước, đồng thời phê phán các đối tượng có hành vi gian lận hoặc trốn thuế. Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức thuế. Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập, số lượng và quy mô các doanh nghiệp sẽ phát triển rất nhanh chóng, những thành tựu khoa học, công nghệ mới được ứng dụng vào các hoạt động thương mại, do vậy, yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ thuế ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu đa dạng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phát huy có hiệu quả tổ chức bộ máy quản lý thuế theo chức năng, xây dựng đội ngũ cán bộ thuế theo hướng chuyên môn hoá, chuyên sâu theo các chức năng quản lý thuế, trên cơ sở đánh giá phân loại, sắp xếp công chức phù hợp với năng lực, trình độ của mỗi người, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý thuế trong tiến trình cải cách hiện đại hoá ngành thuế giai đoạn 2011-2015.

Thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2011-2015 theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế, đẩy mạnh công nghệ thông tin, trang thiết bị làm việc hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện tốt nhất có thể để cán bộ công chức yên tâm, gắn bó với công việc được giao./.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 732/QĐ-TTg, ngày 17/5/2011 về việc phê duyệt Chiến lược chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020

2. Học viện Tài chính (2008). Giáo trình Thuế nhà nước, Nxb Tài chính, Hà Nội

3. Tổng cục Thuế (2005). 60 năm xây dựng và phát triển, Nxb Tài chính, Hà Nội.

ThS. Tạ Văn Nam
Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 12/2013