Trên 1,4 triệu hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 31/8/2019, cơ quan này đang quản lý các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, với 8,2 triệu món vay của trên 6,5 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay là 135.964 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 86.061 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8%/tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 34 triệu đồng/bình quân chung là 30,4 triệu đồng.

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa số hộ DTTS sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 02 đến 03 chương trình tín dụng ưu đãi.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Cụ thể giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%; giai đoạn 2016-2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,35%.

Đồng thời, thu hút và tạo việc làm cho trên 162 nghìn lao động (trên 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 211 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215 nghìn căn nhà ở...

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS đã không ngừng được củng cố và nâng cao trong 16 năm qua, góp phần quan trọng vào việc bảo toàn nguồn vốn được Nhà nước giao. Tuy chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, biến động giá cả thị trường, trình độ sản xuất, kinh doanh của đồng bào DTTS còn hạn chế… nhưng tỷ lệ thu hồi vốn cho vay đối với đồng bào DTTS đạt kết quả khá cao. Trong năm 2018, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh là 0,78% tổng dư nợ, trong khi đó tỷ lệ nợ xấu của hệ thống Ngân hàng thương mại là gần 3%.

Đa số hộ DTTS đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 02 đến 03 chương trình tín dụng ưu đãi.

Với phương thức phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện thành công cách thức tác nghiệp sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo, hộ DTTS và các đối tượng chính sách khác, đó là tổ chức giao dịch tại các Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập các Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại cấp thôn. Hiện nay, toàn quốc thực hiện tổ chức giao dịch tại 10.956 Điểm giao dịch và thành lập 178.896 Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% các thôn, ấp…, đã giúp người nghèo, đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Với dân số chiếm hơn 14% dân số cả nước, hiện nay dư nợ của đồng bào DTTS tại Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm tỷ lệ 24,8% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, với trên 1,4 triệu hộ vay là người đồng bào DTTS, trong thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã chú trọng tập trung nguồn lực vào những chương trình cho vay có hiệu quả cao và thiết thực cho đồng bào DTTS...

Cần xây dựng, ban hành chính sách tín dụng đầu tư theo Đề án giảm nghèo của từng vùng, từng địa phương

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đồng bào DTTS hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp, chưa phát huy tối đa hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội trong khu vực.

Hơn nữa, trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế, hộ vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để chăn nuôi, sản xuất kinh doanh nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro... dẫn đến một số hộ vay sản xuất, kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng trả nợ tín dụng chính sách xã hội

Một bộ phận hộ DTTS không có đất đai, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ, không chịu làm ăn và chưa có ý thức trả nợ ngân hàng, làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chính sách xã hội.

Chính vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS trong việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả và trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn. Tiếp tục ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi về nguồn vốn tín dụng, con người, cơ sở vật chất, chính sách cán bộ… cho các địa bàn trong khu vực còn nhiều khó khăn, tập trung nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS.

Đồng thời, để đồng bào DTTS có đủ điều kiện vượt qua khó khăn riêng có của mình như nêu trên, cần tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn, cấp đủ nguồn vốn để giúp cho các địa phương, nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, cơ bản khắc phục được những khó khăn khác biệt đó, như: đầu tư vào kết cấu hạ tầng, giao thông, đường xá, xây dựng những chuỗi sản phẩm theo chuỗi giá trị đồng bộ (cung cấp con giống, đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh, kỹ thuật nuôi trồng, tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm...), đẩy mạnh tính cạnh tranh trên thị trường cho từng sản phẩm, nhất là sản phẩm mang tính đặc thù của từng địa phương, từng vùng miền.

Ngoài ra, cần xem xét xây dựng, ban hành chính sách tín dụng đầu tư theo Đề án giảm nghèo của từng vùng, từng địa phương, với mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa phù hợp với từng dự án sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà không phụ thuộc vào quy định chung về thời hạn và mức cho vay./.