Giải ngân vẫn còn rất chậm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 tổ chức ngày 26/9/2019, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136,038 tỷ đồng. Con số trên bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số liệu này cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Cùng kỳ năm 2018 đạt 50,93% kế hoạch Quốc hội giao và 52,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và ODA đều đạt thấp. Vốn trái phiếu chính phủ là 9.349,585 tỷ đồng, đạt 23,37% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 26,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Vốn ngoài nước là 10.543,082 tỷ đồng; đạt 18,8% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 23,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 27,28% kế hoạch Quốc hội giao và 29,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Cần nhiều biện pháp mạnh mẽ để cải thiện tiến độ giải ngân chậm

Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%.

Tuy nhiên, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%.

Trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% là: Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban dân tộc, Thanh tra Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội nhà báo, Hội chữ thập đỏ, Đồng Nai.

Điều đáng lưu ý là, đến nay, có 4 cơ quan trung ương, và 30 địa phương vẫn chưa làm thủ tục giải ngân với Bộ Tài chính; 8 cơ quan trung ương và 31 địa phương đã làm thủ tục giải ngân trong 8 tháng đầu năm.

Trong đó, các cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp như: Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,8%), Bộ Y tế (4,8%), tỉnh Quảng Ninh (0,5%), tỉnh Hưng Yên (8,3%), tỉnh Quảng Nam (2,3%)./.

Động thái mạnh mẽ để “thúc” tiến độ giải ngân

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định và yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các bộ trưởng, trưởng ngành, các đơn vị phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực phấn đấu tối đa để giải ngân hết số vốn kế hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết 01 đã đề ra.

Với tinh thần trên, Cục Quản lý nợ và Tài chính (Bộ Tài chính) vừa gửi công văn số 11892/BTC-QLN tới các bộ, cơ quan Trung ương chủ quản chương trình, dự án và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ về việc công khai số liệu giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Theo đó, Công văn nêu rõ: tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 tổ chức ngày 26/9/2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ số liệu giải ngân vốn nước ngoài của Chính phủ do Bộ Tài chính tổng hợp. Số liệu giải ngân này được Bộ Tài chính tổng hợp từ các đề nghị giải ngân của các chương trình, dự án đã được Bộ Tài chính chấp thuận gửi nhà tài trợ (riêng đối với phương thức giải ngân qua tài khoản đặc biệt chỉ tính các đơn rút vốn hoàn vốn chi tiêu từ tài khoản đặc biệt).

Bộ Tài chính sẽ công khai số liệu giải ngân này trên trang điện tử của Bộ Tài chính (http://mof.gov.vn).

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiểm tra số liệu này, trường hợp có sai khác cần có văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính để xác minh, điều chỉnh trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày công bố. Quá thời hạn trên, nếu các bộ, ngành, địa phương không có ý kiến đề nghị điều chỉnh bằng văn bản kèm theo căn cứ xác thực được Bộ Tài chính chấp nhận, thì các số liệu đã công bố này được coi là căn cứ chính thức để tiếp tục công khai tiến độ giải ngân trong thời gian từ ngày 16/9/2019 đến hết năm 2019.

Bên cạnh đó, từ ngày 15/10/2019, Bộ Tài chính sẽ thực hiện chế độ báo cáo nhanh 15 ngày về giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ, chi tiết đến từng bộ, ngành chủ quản và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ sở để lập các báo cáo nhanh này là số liệu giải ngân “nền” tại thời điểm ngày 15/9/2019, cộng số phát sinh giải ngân “thực” (số Bộ Tài chính đã chấp thuận ký đơn rút vốn gửi nhà tài trợ trong kỳ, riêng đối với phương thức giải ngân qua tài khoản đặc biệt chỉ tính các đơn rút vốn hoàn vốn đã chi tiêu từ tài khoản đặc biệt).

Bộ Tài chính cũng yêu cầu 3 bộ, ngành chủ quản và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số giải ngân thấp nhất phải có giải trình lý do và đề xuất biện pháp thúc đẩy giải ngân.

Các báo cáo giải ngân 15 ngày cuối tháng sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp kèm theo đánh giá và phân tích một số trường hợp điển hình giải ngân kém, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo./.