Đó là nhận định được bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Hội thảo Ngành tài chính – viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) do VCCI phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freeedom tổ chức vào sáng nay (ngày 23/10).

Toàn cảnh hội thảo

EU là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính, viễn thông trên thế giới

Khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, sau khi được ký kết ngày 30/6/2019, EVFTA đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực. Theo đó, các dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... và dịch vụ viễn thông là những nhóm dịch vụ có nhiều cam kết đáng chú ý trong EVFTA.

Bởi lẽ, sự mở cửa thị trường của Việt Nam đã ở mức cao hơn so với cam kết WTO và đã có nhiều tiêu chuẩn tối thiểu trong quản lý nhà nước đối với các dịch vụ này. Trong khi đó, EU lại là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính, viễn thông. Vì vậy, EVFTA được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai ngành và thị trường tài chính – viễn thông Việt Nam.

Làm rõ hơn vấn đề này, ông Phạm Vũ Tiến, quyền Viện trưởng Viện Friedrich Naumann Foundation for Freeedom cho biết, các dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) là nhóm dịch vụ có sự phát triển mạnh mẽ cả về thị trường và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, đây cũng là nhóm dịch vụ nhạy cảm (đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng), gắn liền với sự ổn định của nền tài chính và kinh tế quốc dân, tác động trực tiếp và tức thời tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành kinh tế khác. Vì lý do này, các dịch vụ tài chính không chỉ chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chính sách tiền tệ, tài chính vi mô mà còn là nhóm có mức độ mở cửa rất dè dặt.

Trong EVFTA, các cam kết mở cửa có liên quan trực tiếp nhất tới các dịch vụ tài chính tập trung toàn bộ tại EVFTA. Nhìn chung, trong EVFTA, so với nhiều lĩnh vực dịch vụ khác, dịch vụ tài chính, viễn thông có mức mở cửa thị trường hạn chế hơn nhiều cả về phạm vụ hoạt động lẫn mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và chỉ mở rộng hơn WTO ở một số ít khía cạnh khác. Mặc dù vậy, EU là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính, viễn thông trên thế giới. Vì vậy, EVFTA được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai của các dịch vụ tài chính, viễn thông cũng như cả nền kinh tế Việt Nam.

Một mặt, EVFTA mở ra các cơ hội kinh doanh và bảo hộ có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư EU trong lĩnh vực dịch vụ tài chính , viễn thông ở thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. Từ góc độ ngược lại, hiệp định này cũng đặt các doanh nghiệp tài chính và viễn thông Việt Nam trước một tương lai cạnh tranh gay gắt và phức tạp hơn từ các đối thủ EU. Đây là thách thức trực diện nhưng đồng thời cũng có thể là sức ép hợp lý để ngành và doanh nghiệp tài chính và doanh nghiệp viễn thông việt nam cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trong tổng thể, cạnh tranh trên thị trường dịch vụ tài chính và viễn thông sẽ giúp người tiêu dùng, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế được hưởng lợi, với khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính có chất lượng cao hơn và với chi phí hợp lý hơn.

Những dịch vụ tài chính, viễn thông nào được mở cửa cam kết?

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, mở cửa của ngành tài chính và viễn thông trước cam kết của EVFTA sẽ cao hơn so với WTO trước đây.

Cụ thể: Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính tập trung ở các lĩnh vực như: bảo hiểm (bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm, trung gian bảo hiểm…), ngân hàng (các dịch vụ ngân hàng thương mại như: nhận tiền gửi, cho vay, quản lý tài sản), chứng khoán (các dịch vụ chứng khoán như: giao dịch công cụ phái sinh, các giao dịch chứng khoán).

Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ viễn thông: với 2 nhóm dịch vụ là: (1) Các dịch vụ viễn thông cơ bản: các dịch vụ thoại, dịch vụ truyền số liệu chuyển mạch gói, dịch vụ truyền số liệu chuyển mạch kênh, dịch vụ telex, dịch vụ telegraph, dịch vụ hội nghị truyền hình, dịch vụ kết nối internet…; (2) Các dịch vụ giá trị gia tăng như là: thư điện tử, thư thoại, trao đổi dữ liệu điện tử, chuyển đổi mã và giao thức, thông tin trực tuyến và xử lý dữ liệu, dịch vụ truy nhập internet…

Không có tác động quá lớn về đầu tư nước ngoài

Bình luận về những tác động của EVFTA tới thị trường và ngành tài chính - viễn thông Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, về trực tiếp thì sẽ không có tác động quá lớn về đầu tư nước ngoài vì đối với ngành tài chính sẽ chỉ mở thêm duy nhất dịch vụ nhượng tái bảo hiểm còn về mức cam kết thì sẽ không có gì thay đổi.

Trong khi đó, đối với ngành viễn thông, sẽ không mở thêm lĩnh vực viễn thông nào mới, nhưng về mức cam kết thì 5 năm đầu không có thay đổi gì lớn. Sau 5 năm, mức độ mở cửa sẽ cao hơn cam kết WTO về mức vốn nước ngoài trong liên doanh và dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng mở cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Nhìn chung, “môi trường kinh doanh ổn định và dễ dự đoán hơn đối với dịch vụ tài chính, nhất là với các cam kết rõ ràng về ngoại lệ thận trọng, các cam kết liên quan tới các dịch vụ tài chính mới và các cam kết về những vấn đề quan trọng trong cung cấp dịch vụ tài chính”, bà Trang nói.

Còn đối với dịch vụ viễn thông thì các cam kết nền về cơ chế quản lý, các ràng buộc chống độc quyền và bảo vệ cạnh tranh sẽ giúp cho thị trường này dần đi vào ổn định và minh bạch hơn nhiều, bà Trang nhấn mạnh.

Đánh giá một cách toàn diện, theo bà Trang, những cam kết của EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18%-3,25% trong giai đoạn từ 2019-2023; tăng từ 4,57%-5,3% trong giai đoạn từ năm 2024-2028 và 7,07%-7,72% trong giai đoạn năm 2029-2033.

Trong khi đó, tác động gián tiếp mà EVFTA mang lại đáng chú ý hơn so với tác động trực tiếp, bởi Hiệp định này sẽ làm gia tăng nhu cầu dịch vụ; giúp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ổn định, minh bạch. Cùng với đó, sẽ kéo theo cơ hội đầu tư ra các nền kinh tế thành viên của Liên minh châu Âu hay cơ hội hợp tác với các đối tác EU trong việc cải thiện chuyên môn, công nghệ, quản trị và năng lực cạnh tranh.

Song song với những cơ hội mở ra thì nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam; đặc biệt là ngành tài chính và viễn thông sẽ đứng trước những áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập FTA.

Hơn nữa, yêu cầu của khách hàng với dịch vụ cũng sẽ ngày càng cao hơn và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, thách thực về bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong giao dịch... cũng là những tác động gián tiếp từ EVFTA mà nền kinh tế phải đối mặt./.