Phấn đấu tỷ trọng thu nội địa đến năm 2022 khoảng 84%-85%

Theo “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 Chính phủ trình Quốc hội” của Bộ Tài chính, cơ quan này cho biết, dự kiến thu ngân sách nhà nước (NSNN) 03 năm 2020-2022 là 4,9 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân 21%-22% GDP, từ thuế, phí khoảng 19-20%GDP.

Theo cơ quan tài chính, giai đoạn 2020-2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó xu hướng bảo hộ và căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng và lan rộng, tạo môi trường bất ổn cho đầu tư, kinh doanh và hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, các vấn đề xung đột chính trị, sắc tộc, tranh chấp biên giới lãnh thổ... đều có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đối với kinh tế Việt Nam, giai đoạn 2020-2022 là giai đoạn chuyển tiếp từ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2016-2020 sang kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021-2025, với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2022 khoảng 6,8%, chỉ số giá tính GDP tăng khoảng 3%-3,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu khoảng 6,5%-8%/năm.

Bộ Tài chính dự kiến, thu NSNN 03 năm đạt 4,9 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân 21%-22% GDP, từ thuế, phí khoảng 19-20%GDP. Tỷ trọng thu nội địa đến năm 2022 dự kiến khoảng 84%-85%.

Về chi NSNN 03 năm: dự kiến khoảng 5,7 triệu tỷ đồng. Phấn đấu tăng tỷ trọng chi ĐTPT, đồng thời đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2021-2022 theo chủ trương đã đề ra.

Với dự kiến thu và chi NSNN nêu trên, bội chi NSNN năm 2020 khoảng 3,44% GDP, năm 2021 và 2022 khoảng 3,5%GDP.

Các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn quy định (cuối năm 2020 dự kiến nợ công là 54,3% GDP, năm 2021 là 53,3% GDP, năm 2022 là 52,7% GDP).

Rủi ro đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế kéo theo rủi ro về thu NSNN

Bộ Tài chính cũng đưa ra một số rủi ro chính đối với Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2020-2022. Theo đó, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua đã có những cải thiện đáng kể, nội lực của kinh tế được tăng cường, tuy nhiên chưa thật sự bền vững do: (i) độ mở của nền kinh tế ở mức rất cao; (ii) cơ cấu vốn đầu tư xã hội và cán cân thương mại phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang trong bối cảnh có nhiều biến động.

Bên cạnh đó, khả năng duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao (6,8%/năm) là thách thức rất lớn. Ngoài yếu tố rủi ro về thu hút nguồn vốn FDI, xuất khẩu, còn phải kể đến các yếu tố không thuận lợi khác, như: thiên tai dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, chuyển đổi cơ chế quản lý giá, phí dịch vụ sự nghiệp công...

Những rủi ro đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo rủi ro về thu NSNN, do trên 70% thu ngân sách là thu nội địa từ sản xuất kinh doanh và trên 16% là thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, chi ngân sách gắn với các nghĩa vụ chưa được tính toán đầy đủ, chưa lường hết được, như: chi dự phòng lớn, chi thiên tai, dịch bệnh, vấn đề ô nhiễm môi trường, quá trình phát triển sản xuất kinh doanh theo chiều rộng...

Hơn nữa, bội chi NSNN không đạt kế hoạch trong trường hợp rủi ro về thu ngân sách, hoặc rủi ro về chi gắn với các nghĩa vụ dự phòng lớn, chi thiên tai, dịch bệnh...

Đồng thời, rủi ro trong việc đồng thời đảm bảo huy động nguồn cho NSNN, hạn chế áp lực đối với mặt bằng lãi suất và kiểm soát nghĩa vụ nợ theo quy định./.