Suốt 5 năm qua (từ 2014-2019), những nỗ lực của Bộ Tài chính/Tổng cục Thuế trong thực hiện cải cách, đơn giản hóa chính sách, thủ tục hành chính thuế… đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tiết kiệm thời gian công sức cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá khá tốt.

Kết quả chung đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2019 là 7,79 điểm (làm tròn 7,8 điểm), quy ra tỷ lệ % là 78%, tăng 3% so với năm 2016. Cụ thể như sau:

Kết quả các chỉ số thành phần trong tương quan so sánh với kết quả năm 2016, có 03 chỉ số tăng điểm, trong đó nội dung quan trọng nhất là chỉ số thành phần “Sự phục vụ của công chức Thuế”, tăng khoảng 1,5 điểm. Hai chỉ số thành phần là “Tiếp cận thông tin” và “Kết quả giải quyết công việc” đều có kết quả tích cực hơn, lần lượt tăng 0,23 điểm và 0,41 điểm so với năm 2016. Hai chỉ số thành phần còn lại giảm điểm nhẹ là “Thực hiện TTHC Thuế” ( giảm 0,14 điểm) và “Thanh tra, kiểm tra thuế” ( giảm 0,58 điểm) so với năm 2016.

Tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính thuế tương đối dễ dàng

Việc tiếp cận thông tin về quy định thuế và thủ tục hành chính thuế đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là tương đối dễ dàng. Hệ thống mẫu biểu TTHC thuế được ổn định trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay đã góp phần tạo sự thuận lợi trong tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ thích ứng, tra cứu, tìm kiếm và nhanh chóng hoàn thành các thủ tục thuế cần thiết.

Nhìn chung, kết quả phản hồi của doanh nghiệp đánh giá các TTHC thuế cơ bản đều là dễ/tương đối dễ, như: Thuế giá trị gia tăng (95%), thu nhập doanh nghiệp (93%), thu nhập cá nhân (87%), thuế sử dụng đất (86%).

Ba TTHC thuế được doanh nghiệp đánh giá là dễ/tương đối dễ cao nhất là: Nộp thuế (98%); Mua, đăng ký, báo cáo sử dụng hóa đơn thuế (94%); Khai thuế, khai quyết toán thuế (92%).

Khảo sát năm 2019 cũng cho thấy các doanh nghiệp đánh giá rất tích cực về sự hỗ trợ của cơ quan thuế. Cụ thể, 86% doanh nghiệp cho biết cơ quan thuế hỗ trợ hiệu quả và 83% đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan thuế là kịp thời.

DN càng hoạt động lâu năm và càng lớn thì càng bị thanh kiểm tra thuế cao

Kết quả khảo sát năm 2019 cho thấy, trung bình có 43% DN cho biết có tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra thuế. Tuy nhiên, xu hướng cho thấy cũng giống các báo cáo năm trước là doanh nghiệp có số năm hoạt động càng nhiều hoặc quy mô doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ bị thanh tra, kiểm tra thuế càng cao.

Việc thực hiện các quy trình thủ tục trong công tác thanh tra kiểm tra thuế được nhìn nhận khá tích cực. Cụ thể, các doanh nghiệp cho biết thời gian kiểm tra, thanh tra thuế đúng với quyết định công bố (94%), doanh nghiệp được giải trình với đoàn kiểm tra, thanh tra thuế về những vấn đề chưa rõ trước khi kết luận kiểm tra, thanh tra thuế được công bố (93%), thái độ của cán bộ đúng mực trong các lần làm việc tại doanh nghiệp (90%), hoạt động kiểm tra, thanh tra không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp (89%), niên độ kiểm tra, thanh tra không trùng lặp (80%).

Đa số doanh nghiệp có biết đến hóa đơn điện tử thuế

Chỉ số “Sự phục vụ của công chức Thuế” năm 2019 đã được doanh nghiệp đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với những cuộc khảo sát trước đây (2014: 5,36 điểm; 2016: 6,36 điểm; 2019: 7,86 điểm).

Đối với thái độ phục vụ của công chức thuế ở các bộ phận chức năng trong cơ quan thuế, kết quả khảo sát cho thấy Bộ phận kê khai, kế toán thuế và ấn chỉ nhận nhận được sự hài lòng hoàn toàn/phần lớn đạt tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 87% và 82%.

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá các dịch vụ thuế điện tử hiện tại là dễ sử dụng. Khoảng 97% doanh nghiệp cảm thấy “dễ” hoặc “tương đối dễ” thực hiện các thủ tục khai thuế điện tử, đăng ký nộp thuế điện tử và nộp thuế điện tử. Thủ tục hoàn thuế điện tử cũng nhận được kết quả khoảng 98% doanh nghiệp đánh giá “dễ” và “tương đối dễ” thực hiện.

Khoảng 97% doanh nghiệp tham gia khảo sát có biết đến hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp hiện tại biết đến chính sách hóa đơn điện tử thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau: “Các diễn đàn trên internet”: 49% doanh nghiệp lựa chọn; “báo chí, truyền hình”: (44%) doanh nghiệp lựa chọn; Các kênh thông tin do cơ quan thuế cung cấp như “thông qua cán bộ quản lý thuế” hay “khóa tập huấn của cơ quan thuế”: 40% doanh nghiệp lựa chọn; “mạng xã hội”: 36% doanh nghiệp lựa chọn./.