Đây là lần thứ 14 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức theo cơ chế thường niên, do Bộ Tài chính phối hợp với VCCI thực hiện nhằm thông tin, tuyên truyền về các chính sách và thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan. Đồng thời, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan.

Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019 được tổ chức thường niên lần thứ 14

Những cải cách mạnh mẽ ở cả 2 lĩnh vực thuế và hải quan

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, lĩnh vực thuế và hải quan có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nguồn thu của Nhà nước và góp phần quan trọng trong tạo không khí thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh.

Thời gian qua, ngành thuế và hải quan đã có những cải cách mạnh mẽ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực. Nhiều vấn đề doanh nghiệp phản ánh đã được lắng nghe, trao đổi và có hướng xử lý giải quyết mang lại sự an tâm cho cộng đồng doanh nghiệp.

Phân tích cụ thể những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong việc phát triển sản xuất kinh doanh.

Về thể chế chính sách, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế mới, trong đó có nhiều nội dung về cải cách thủ tục hành chính cả về thuế cũng như hải quan. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119 quy định về hoá đơn điện tử; ban hành Thông tư 68 hướng dẫn chi tiết về hóa đơn điện tử, đó là cơ sở quan trọng để cải cách trong việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ.

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã ban hành mới và sửa đổi 7 Thông tư; tham mưu ban hành Nghị định quy định thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành làm cơ sở pháp lý quan trọng trong đột phá về cải cách hiện đại hóa hải quan.

Cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, quản lý hải quan. Theo đó, 99,87 % doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,53% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 93.61% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; có 133/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 (cuối năm 2019 sẽ lên 188/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4).

Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai ở 100% các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan. Cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã thực hiện đồng bộ, thông suốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, người khai hải quan.

Để giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, thực hiện hợp nhất 401 chi cục thuế thành 190 chi cục thuế khu vực (giảm 211 chi cục thuế), nhưng việc quản lý thu trên địa bàn vẫn được đảm bảo so với trước khi hợp nhất. Đối với Tổng cục Hải quan đã giảm từ 174 chi cục hải quan xuống còn 162 chi cục.

Ngoài ra, “cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ. Giáo dục, bồi dưỡng cả về chuyên môn nghiệp vụ và thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Nâng cao chất lượng, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực thi công vụ, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp nói riêng, người nộp thuế nói chung”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị

Đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ, giải đáp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế; phát triển hệ thống đại lý thuế; nâng cao hiểu biết và tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và xã hội.

“Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống thuế, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên vị trí thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá theo Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu - Doing Business 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2019 là 78%, tăng 3% so với năm 2016”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.

Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng thừa nhận, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, song với thực tiễn đa dạng, sôi động và đổi mới nhanh chóng như hiện nay, cùng với đòi hỏi chính sách và thủ tục hành chính về thuế, hải quan phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế, thì việc áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan vào thực tiễn không tránh khỏi phát sinh vướng mắc, khó khăn.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các doanh nghiệp. Từ đó tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh chung.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục khẩn trương xây dựng, kịp thời ban hành, sửa đổi các Thông tư, văn bản hướng dẫn các quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan. Đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp.

“Bộ Tài chính cũng mong muốn doanh nghiệp Việt Nam chủ động tận dụng tốt các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay”, Thứ trưởng nói.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của doanh nghiệp thắc mắc về việc sử dụng hóa đơn điện tử, thời gian áp dụng và cách thức lưu trữ hóa đơn điện tử; thuế giá trị gia tăng, thủ tục xuất hóa đơn, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, vấn đề hoàn thuế...

Đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của doanh nghiệp, đồng thời phổ biến những chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan mới.

“Ngoài những câu hỏi, những vấn đề đã được đề cập nêu trên, nếu doanh nghiệp còn có vấn đề chưa được rõ, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp có thể trực tiếp, hoặc thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hoặc từ các Hiệp hội doanh nghiệp tập hợp và gửi đến Bộ Tài chính cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được giải đáp kịp thời”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.