Bộ Tài chính vừa có báo cáo sơ bộ tính toán những tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với thu ngân sách nhà nước.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2020 ước đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 19 tỷ USD giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2020 ước tính đạt 19,1 tỷ USD giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên năm 2020 có mức thâm hụt, trái ngược với xu hướng thặng dư của tháng 1/2019.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất nhập khẩu giao thương với Trung Quốc, Bộ Tài chính cho biết, có thể gặp khó khăn do hạn chế qua lại biên giới, cửa khẩu và gián đoạn nguồn cung tại tỉnh Hồ Bắc, trong bối cảnh nhằm kiểm soát dịch, các biện pháp liên quan đến thắt chặt qua lại biên giới sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Vì vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc có thể gặp khó khăn, các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm... sẽ chịu tác động đáng kể trong ngắn hạn.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu với Trung Quốc đạt 41,4 tỷ USD, chiếm 15,7%/tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 75,5 tỷ USD, chiếm 29,8%/tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Số thuế phải thu từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc trong năm 2019 đạt khoảng 84.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 24,2% số thu của ngành hải quan.

Do đó, cơ quan tài chính nhận định, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và số thu ngân sách Nhà nước.

Thống kê theo giá trị trung bình ngày làm việc (loại trừ ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ lễ quốc gia) trong tháng 1/2020, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 130,52 triệu USD/ngày, giảm 20,18% so với tháng 12/2019, nhưng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc trong tháng 1/2020 tính trung bình theo ngày đạt 261,47 tỷ USD/ngày, giảm 6,5% so với tháng 12/2019 và giảm 2,1% so với tháng 1/2019.

Trong 3 ngày làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán (30, 31/1/2020 và 3/2/2020), tổng trị giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 82,1 triệu USD/ngày, chỉ bằng 63% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020; nhập khẩu đạt 182,8 triệu USD/ngày, bằng gần 70% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những ngành có thể chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất gồm dệt may (nhập khẩu sợi, vải), điện tử, tiêu dùng (linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc).

Tuy nhiên, việc gián đoạn nguồn cung tiềm tàng này chỉ mang tính tạm thời và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sớm được phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Do vậy, hoạt động thương mại điện tử có thể được ưu tiên lựa chọn. Khi người dân giảm nhu cầu mua sắm tại cửa hàng, nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát gia tăng.

Du lịch Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19

Theo báo cáo tại cuộc họp giao ban của Tổng cục Thuế diễn ra vào ngày 6/2/2020, Tổng cục Thuế cho biết, trong tháng 01/2020, ngành thuế đã thu đạt 155.600 tỷ đồng, đạt 12,4% so với dự toán và tăng 11,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thu cao so với nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, cơ quan thuế quốc gia nhận định, dịch bệnh do vi rút Corona và những thay đổi trong chính sách sẽ có nhiều tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong thời gian tới.

Vì vậy, để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực nói trên, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát kỹ lưỡng các nguồn thu, nhất là thu từ các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, tăng cường thu hồi nợ đọng… để đảm bảo bù đắp hụt thu, phấn đấu hoàn thành dự toán được giao; đồng thời, quản lý chặt nguồn thu, chống thất thu ngân sách thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi, để triển khai hiệu quả đề án mở rộng cơ sở thuế; đẩy mạnh việc kê khai nộp thuế, hoàn thuế điện tử, nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy qua mạng…

Về phía Tổng cục Hải quan, để hạn chế ảnh hưởng do dịch COVID-19, Tổng cục đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên) thành lập các Tổ công tác hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, phòng ngừa dịch bệnh và làm đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin với Tổng cục, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu bình ổn trở lại, hạn chế hụt thu ngân sách. Các chi cục hải quan địa phương biên giới phía Bắc đang khẩn trương thông quan cho các lô hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông sản./.

Tại báo cáo trình Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch bệnh Corona đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, theo tính toán, dự kiến nếu dịch corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).

Trường hợp dịch corona kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quý II là 5,81% thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.