Đến ngày 7/2/2020: dư nợ tín dụng cả nước giảm 0,38% so với cuối năm 2019

Có thể thấy, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Các lĩnh vực kinh tế - xã hội của cả nước đều chịu ảnh hưởng của dịch. Trong đó có những ngành, lĩnh vực chịu tác động ngay và lớn như nông lâm, thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản. Các ngành sản xuất công nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn giữa Việt Nam - Trung Quốc, như: điện, điện tử, da giày, dệt may, thép; du lịch, dịch vụ lưu trú và nghệ thuật, giải trí; vận tải, các dự án BOT, BT giao thông do giảm giao thương ảnh hưởng đến việc thu phí... nên đã ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng.

Từ đó, tình trạng này cũng đã tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.164.561 tỷ đồng, giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước.

Trong đó giảm chủ yếu ở một số ngành bị ảnh hưởng lớn, như: công nghiệp chế biến – chế tạo chiếm tỷ trọng 16,48% GDP, và chiếm tới 14,52% tổng dư nợ nền kinh tế; kế đến nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 13,96 GDP và dư nợ tín dụng chiếm 8,74% tổng dư nợ nền kinh tế và nhiều ngành khác dự kiến bị tác động mạnh như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may và da giày, du lịch, thương mại... Tình trạng này đã gây nên việc tiềm ẩn nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng.

Hỗ trợ tích cực cho người dân, DN ổn định sản xuất, kinh doanh

Chính vì vậy, ngay từ khi mới bùng phát dịch Covid-19, ngày 4/2/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Corona (sau đây viết tắt là dịch nCoV). Theo đó, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2019 về tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020.

Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định pháp luật hiện hành.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để phòng tránh dịch Covid-19

Tiếp đó, ngày 11/02/2020, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Văn bản số 727/NHNN-TT đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, phù hợp với chương trình miễn, giảm phí của NAPAS, thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.

Ngay sau đó, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã xây dựng Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, gồm: Miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12/2020); Giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch (dự kiến áp dụng từ ngày 25/2/2020).

Mặc dù doanh thu của NAPAS có thể sẽ giảm ít nhất 15% khi triển khai chương trình miễn, giảm phí, nhưng theo NAPAS, chương trình miễn, giảm phí đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới là vận dụng phù hợp trong hoạt động kinh doanh không chỉ của NAPAS mà còn đúng với nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro dịch bệnh, gần đây, một số ngân hàng cũng tiếp tục đẩy mạnh các hình thức khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng chuyển qua giao dịch online trong thời gian này, như: Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCO Á Châu (ACB)… Thậm chí, một số ngân hàng còn mở rộng hạn mức thanh toán trực tuyến (online) cho người dân và doanh nghiệp.

Song song với đó, một số tổ chức tín dụng cũng xây dựng các kịch bản hành động hỗ trợ khách hàng. Điển hình như: Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5% lãi suất trung, dài hạn. Đối với khách hàng vay USD hiện hữu sẽ giảm lãi suất 0,5%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 0,75%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn… BIDV cũng triển khai gói tín dụng ngắn hạn quy mô lên tới 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng nhập cuộc tốt đều đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5% - 1,5%/năm.../.