Quy mô tín dụng quá thấp

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, chất lượng tín dụng khu vực Tây Bắc khá tốt. Nợ xấu trung bình của cả khu vực (12 tỉnh) cuối tháng 2/2013 ở mức thấp, chiếm 1,43% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Tuy nhiên, với đặc thù địa lý và kinh tế khó khăn cần có những định hướng và cơ chế tín dụng phù hợp tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng vay vốn trong khu vực.

Đến ngày 31/12/2012, dư nợ cho vay của ngân hàng chính sách xã hội tại các tỉnh khu vực Tây Bắc đạt 22.986 tỷ đồng, tăng 10,93% so với cùng kỳ năm trước, với hơn 331.861 lượt khách hàng được vay vốn.

Về cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các tổ chức tín dụng (chủ lực là ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội) cho vay.

Đến ngày 31/1/2013, các ngân hàng đã thực hiện cho vay 44 huyện nghèo thuộc khu vực Tây Bắc với tổng dư nợ đạt 839 tỷ đồng tăng 0,6% so với cuối năm 2012 với hơn 32.427 khách hàng còn dư nợ.

Song có thể nói, tín dụng vào Tây Bắc vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Vùng Tây Bắc có tới 12 tỉnh, nhưng đến hết 31/12/2012, tổng huy động chỉ trên 76 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ trên 100 nghìn tỷ đồng, quy mô quá thấp so với một tỉnh ở đồng bằng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang phàn nàn: “Thời gian cho vay của ngân hàng thì kéo dài, trong khi không cho doanh nghiệp thế chấp máy móc, hàng tồn kho để vay vốn thì làm sao sản xuất được?”

Cũng theo ông Thập, một trong những nguồn cung cấp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là hệ thống ngân hàng thương mại, nhưng hiện nay dư nợ của khối doanh nghiệp này còn rất khiêm tốn mà hầu hết tập trung vào các doanh nghiệp, tổng công ty lớn hay những khoản vay có quy mô nhỏ hẳn như cho vay nông dân, hộ sản xuất.

"Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nguồn vốn huy động của ngân hàng luôn dư thừa trong khi vốn để sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lại luôn thiếu," ông Thập nói.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, với thực trạng lãi suất cao trong thời gian qua, các doanh nghiệp vùng Tây Bắc đã luôn gặp khó khăn lớn với việc thanh toán tiền lãi từ các khoản vốn đi vay.

Cần cơ chế đặc thù cho Tây Bắc

Đề xuất giải pháp tín dụng, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Tây Bắc cần tập trung phát triển vào 2 ngành chính là nông, lâm nghiệp và du lịch.

Mô hình liên kết chuỗi giá trị với vị trí trung tâm là trung tâm tài chính, ví dụ từ hộ cung cấp con giống, hoặc trồng rừng, khi sản xuất nguyên liệu thô, bán cho các DN chế biến, cuối cùng đến người tiêu dùng. Mô hình này có thể thúc đẩy được việc cho vay không tài sản bảo đảm, các ngân hàng giám sát được dòng tiền rõ ràng nắm rõ tình hình từng khâu sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần có công ty bảo lãnh tín dụng chung khu vực Tây Bắc, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, có chuyên môn cao trong lĩnh vực bảo lãnh ngân hàng, các tổ chức tín dụng góp vốn theo quy định Luật các tổ chức tín dụng, từ đó định chế tài chính hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có đào tạo trình độ quản trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực Tây Bắc.

Còn theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần xem xét cơ chế đầu tư máy móc không giới hạn tỷ lệ nội địa hóa, các ngân hàng cần tập trung tín dụng cho đầu tư phát triển chế biến và sau thu hoạch các hộ sản xuất nông lâm sản.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, để mở rộng tín dụng vùng Tây Bắc, cần phải kết hợp tín dụng từ 3 “ông”: Tín dụng thương mại, tín dụng chính sách (Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách Xã hội) và tài chính vi mô từ các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

"Ba 'ông' này phải kết hợp với nhau và tập trung tín dụng vào những loại hình doanh nghiệp có tính lan tỏa đến doanh nghiệp vệ tinh, tạo việc làm, giảm hộ nghèo," ông Thành nhấn mạnh./.

Lê Huy