Nhấn mạnh điều này tại bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngân hàng, nhưng ngành Ngân hàng đã hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ cơ bản, đóng góp tích cực cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2013 được dự báo là năm còn nhiều khó khăn, thách thức, và mục tiêu hoạt động của ngành Ngân hàng vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh xử lý việc nợ xấu...

“Do vậy, toàn ngành Ngân hàng phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đổi mới sâu sắc, toàn diện, nâng cao chất lượng hoạt động và bảo đảm an toàn, bền vững của hệ thống Ngân hàng”, Thống đốc Bình khẳng định.

Ngay sau khi Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá, xác định được 9 ngân hàng thương mại cổ phần cần tập trung ưu tiên cơ cấu lại, đồng thời thành lập các Ban Chỉ đạo, các Tổ giám sát tại các ngân hàng yếu kém để giám sát chặt chẽ, toàn diện các ngân hàng này. Khi triển khai phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, các ngân hàng này phải triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm.

Quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém cũng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát, theo dõi chặt chẽ thông qua các biện pháp nghiệp vụ, bảo đảm khả năng chi trả đầy đủ tiền gửi của dân cư; không để xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Do đó, rủi ro hệ thống và nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng từng bước được đẩy lùi, thanh khoản của hệ thống các TCTD, kể cả các ngân hàng yếu kém được cải thiện rõ rệt.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, thu hồi nợ đến hạn và chủ động xử lý nợ xấu phù hợp với quy định của pháp luật. Nhờ công tác này, nợ xấu đã có chiều hướng tăng chậm lại đáng kể, dự phòng rủi ro trích lập tăng so với cuối năm 2011.

“Về cơ bản, việc triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD năm 2012 đã đạt được mục tiêu và lộ trình đề ra trong Đề án là tập trung bảo đảm khả năng chi trả của hệ thống và xử lý ngân hàng yếu kém, đặc biệt bước đầu đã giảm được 3 ngân hàng yếu kém thông qua việc sáp nhập và hợp nhất”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết thêm, năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành lượng tiền cung ứng một cách chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa các kênh, góp phần tăng dự trữ ngoại hối nhà nước ở mức lớn, nhưng vẫn đảm bảo góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống.

Đến cuối năm 2012, tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% so với cuối năm 2011. “Mặc dù mức này cao hơn mức định hướng đề ra từ đầu năm nhưng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ; Điều hành lãi suất đã định hướng, dẫn dắt thị trường, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh so với cuối năm 2011”, bà Hồng nhận định.

Đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,91%. Thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các TCTD đã chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ vốn vay; Chính sách tỷ giá và ngoại hối đã đạt được mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế; Thanh khoản bằng VND của hệ thống các TCTD được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ hàng loạt từ cuối năm 2011 đã được đẩy lùi, các TCTD đã chú trọng hơn trong việc quản trị rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống.

Bước đầu thành công trong công tác quản lý thị trường vàng

Về công tác quản lý thị trường vàng, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ những văn bản nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; tổ chức triển khai chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD và áp dụng các biện pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng. Nhờ đó, thị trường vàng trong nước, nhất là là thị trường vàng miếng trong năm 2012 có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây.

Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng không như những năm trước, khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”.

Từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, không thực hiện bình ổn giá vàng nhưng trên thị trường hầu như không diễn ra việc nhập lậu vàng qua biên giới. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng.

Năm 2013, thực hiện 7 nhiệm vụ chủ yếu

Biểu dương những thành tích của Ngân hàng Nhà nước đã đạt được trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các giải pháp kiềm chế lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tập trung vốn cho sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ; Quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm hoạt động ngân hàng ổn định… Phân tích tình hình kinh tế - xã hội, chỉ ra những những thuận lợi và khó khăn có thể phải đối mặt trong năm 2013, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng, trong năm 2013, phải quyết liệt triển khai các nhiệm vụ sau:

(1) Điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với định hướng điều hành tổng phương tiện thanh toán, tín dụng;

(2) Kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12%, nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường;

(3) Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung-cầu ngoại tệ trên thị trường, các cân đối vĩ mô, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế;

(4) Nâng cao chất lượng công tác thống kê, dự báo phục vụ cho việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ;

(5) Tập trung triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

(6) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2013 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trong đó, tập trung vào các tổ chức tín dụng có biểu hiện kém an toàn, vi phạm pháp luật, tổ chức tín dụng chưa được thanh tra trong 3 năm gần đây.

(7) Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác giải trình và kịp thời cung cấp thông tin bằng mọi hình thức để xã hội hiểu đúng về hoạt động ngân hàng, qua đó tạo ổn định tâm lý xã hội, tạo đồng thuận trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chung của cả nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, mục tiêu chủ yếu của năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn, duy trì tăng trưởng cao hơn năm 2012, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội... Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu này, Thủ tướng mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý của mình, trước hết là làm tốt hơn nữa chính sách điều hành tiền tệ, thực hiện bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn so với năm 2012./.

An Nhi