Thông tin này được TS. Cấn Văn Lực khẳng định tại Hội thảo Nhìn lại chính sách tài chính, tiền tệ do Học viện Chính sách phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 26/12. TS. Lực thành viên xây dựng Đề án lập công ty quản lý nợ quốc gia.

Mặc dù, Đề án lập công ty quản lý nợ quốc gia (AMC) để xử lý nợ xấu đang được Chính phủ thảo luận, nhưng là một thành viên xây dựng đề án, ông Lực cho rằng: “Chính phủ chắc chắn sẽ phải thông qua!”.

Lý giải việc phải thành lập AMC, ông Lực cho biết, mặc dù mô hình công ty mua bán nợ quốc gia dù tranh cãi nhưng chắc chắn vẫn phải làm. Bởi, con số nợ xấu đã vượt ngoài tầm xử lý của các ngân hàng.

Tính đến thời điểm 30/9/2010, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước tỷ lệ nợ xấu chiếm 8,82% tổng dư nợ, còn theo báo cáo của các tổ chức tài chính 4,93%; theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia con số này là 11,8%, còn Fitch lại đánh giá cao hơn với tỷ lệ là 13%.

Dựa trên số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực tính toán, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, giả định nợ xấu chiếm khoảng 10%, thì con số nợ xấu sẽ tương đương 290 ngàn tỷ đồng. Nếu trừ đi số nợ đã xử lý là 12 ngàn tỷ đồng thì còn 278 ngàn tỷ đồng. Trên cơ sở quỹ dự phòng rủi ro hiện có của ngân hàng vào khoảng 75 ngàn tỷ đồng, nếu sử dụng hết số quỹ này, thì số nợ xấu còn 203 ngàn tỷ đồng.

Trong số 203 ngàn tỷ đồng nợ xấu, nợ xấu có tài sản đảm bảo chiếm 73%, tương ứng với số tiền là 148.190 tỷ đồng; nợ xấu không có tài sản đảm bảo chiếm 27% tương ứng với số tiền là 54.810 tỷ đồng. Dư nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản chiếm 66% ước tính vào khoảng 97.805 tỷ đồng và số nợ còn lại sau khi xử lý hết tài sản đảm bảo là 34.232 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nợ xấu cần xử lý sau khi dùng hết quỹ dự phòng rủi ro và tài sản đảm bảo là bất động sản thì vẫn còn 89.042 tỷ đồng.

“Với số nợ xấu gần 90 ngàn tỷ đồng không có tài sản đảm bảo, thì cần từ 100-120 ngàn tỷ để xử lý. Đó là chưa kể đến nợ đọng xây dựng cơ bản ước khoảng 93.000 tỷ đồng”, ông Lực nói thêm.

Cùng với việc chia sẻ sự cần thiết phải thành lập công ty AMC, TS. Lực còn chỉ ra 6 nhược điểm của AMC. Cụ thể: (i) Để thành lập AMC cần một phần vốn ngân sách; (ii) Công ty này có thể bị can thiệp chính trị nếu không quy định rõ; (iii) Kém linh hoạt hơn so với AMC của mỗi tổ chức tín dụng; (iv) Đòi hỏi phối kết hợp các cơ quan chức năng; (v) Có thể thiếu nhân lực có trình độ, kỹ năng xử lý nợ xấu; (vi) Rủi ro đạo đức nếu không minh bạch rõ ràng.

Đồng thời, để công ty này hoạt động thành công, cũng cần có 7 điều kiện: Tính thanh khoản của thị trường mua-bán nợ xấu; Quản lý chuyên nghiệp; Không bị can thiệp chính trị; Đủ nguồn nhân lực; Đủ nguồn vốn hoạt động; Minh bạch; Một số điều kiện khác như: có cơ chế động lực như thuế cho tái cơ cấu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, tách bạch được sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh về điều kiện nguồn vốn, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng lưu ý một yêu cầu bắt buộc khi vận hành AMC là tiền vốn cho công ty này phải là tiền “thật”. Theo nghĩa, tiền phải lấy từ ngân sách nhà nước, nếu ngân sách nhà nước không đủ thì phải xử lý bằng một số cách, chẳng hạn, thông qua cổ phần hóa, bán cổ phần để thu được tiền dùng được. Tuyệt đối không dùng cách tạm thời phát hành tiền 100 ngàn tỷ đồng, thu hồi nợ xong lại rút tiền khỏi lưu thông.

“Điều này cực kỳ nguy hiểm vì sẽ làm tăng cung tiền cho nền kinh tế và gây ra lạm phát”, ông Thành cảnh báo.

Phương Anh