Sáng 27/11, Hội nghị "Ổn định tài chính khu vực Đông Á" với chủ đề “Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động” đã khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.

Minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm cải cách của Việt Nam

Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều bất ổn hiện nay, Thủ tướng cho rằng, việc nỗ lực tổ chức Hội nghị này là minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm cải cách hệ thống tài chính theo hướng an toàn, vững chắc, tạo tiền đề duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng sự nỗ lực to lớn của nhân dân cả nước, sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế, đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử: Đất nước Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, đứng vào nhóm nước có thu nhập trung bình; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt…

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, những thành tựu đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kinh tế phát triển chưa thật bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu, cản trở sự phát triển;...

Bước vào giai đoạn phát triển mới, hiện nay Việt Nam đang thực hiện chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững đất nước; phấn đấu xây dựng Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung vào cơ cấu lại sản xuất dịch vụ, cơ cấu lại đầu tư, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính tín dụng, điều chỉnh chiến lược thị trường theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, Hội nghị lần này, với sự tham dự đông đảo của gần 400 nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách sẽ là diễn đàn với những trao đổi cởi mở, thẳng thắn, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các kinh nghiệm, các nhận định cũng như đưa ra các ý tưởng, các kiến nghị, đề xuất những giải pháp chính sách thiết thực, cụ thể thúc đẩy ổn định và phát triển bền vững ở Việt Nam nói riêng và có ý nghĩa tầm khu vực, quốc tế nói chung; qua đó, sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan giám sát khu vực Đông Á, giữa khu vực Đông Á với các khu vực khác trên bình diện toàn cầu.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia TS. Vũ Viết Ngoạn cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái toàn cầu 2008-2009 đã để lại những di chứng hết sức nặng nề.

Những di chứng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu, những diễn biến phức tạp hiện nay trên thị trường tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu, những diễn biến phức tạp hiện nay trên thị trương tài chính thế giới, đặc biệt là khu vực sử dụng đồng Euro cùng những bất cập nội tại của nền kinh tế khu vực, đang đặt hệ thống tài chính khu vực đông Á trước không ít rủi ro và thách thức, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan giám sát phải tiếp tục và đẩy nhanh lộ trình cải cách tài chính một cách mạnh mẽ; tăng cường phối hợp chính sách và giám sát thị trường một cách hiệu quả vì một nền tài chính Đông an toàn hơn, bền vững hơn.

Do đó, “Chúng ta còn nhiều việc phải làm và lộ trình cải cách còn dài và không ít gian truân”, ông Ngoạn nhấn mạnh.

Chính sách tiền tệ hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã trình bày về chính sách tiền tệ của Việt Nam hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Phó thống đốc, trong nhiều năm qua Việt Nam là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất châu Á, tỷ giá chịu áp lực phá giá đồng tiền, thị trường tài chính biến động với biên độ cao. Do đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam đối diện với các vấn đề lớn đe dọa đến tính ổn định của toàn hệ thống về thanh khoản, sai lệch kép ở cơ cấu thời hạn và cơ cấu đồng tiền, tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Đứng trước những thách thức này, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Nhờ vậy, các nguy cơ bị tổn thương đối với nền kinh tế đã bị giảm đi nhiều so với các năm trước đây.

Cụ thể: lạm phát kiềm chế ở mức thấp (ước cả năm 2012 đạt dưới 8%); cán cân vãng lai sau khi thâm hụt liên tục trong giai đoạn 2007-2010, thì sang năm 2012 đã chuyển sang thặng dư lớn, giúp cán cân thanh toán thăng dư cao, ước cả năm 2012 đạt khoảng 8 tỷ USD.

Nhận định kinh tế thế giới có thể có nhiều diễn biến phức tạp, Phó Thống đốc cho biết, các nhiệm vụ trung hạn nhằm tạo lập nền tảng cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững mới ở giai đoạn khởi động, thách thức còn ở phía trước.


Cụ thể, “Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; theo đó điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng tới hoạt động an toàn, hiệu quả, vững chắc”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Phó Thống đốc cũng cho biết hệ thống ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu để xây dựng hệ thống ngân hàng vững mạnh.

Các diễn giả tại Hội nghị cũng cho rằng, khủng hoảng cũng là cơ hội tốt để cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan giám sát… có thể tập trung tư duy để nâng cao quyết tâm mạnh mẽ trong thực hiện chính sách mà tưởng chừng rất khó thực hiện. Điều quan trọng là trước nguy cơ sự suy yếu của tiêu chuẩn toàn cầu để vượt qua khủng hoảng một cách an toàn, bền vững, thì cần một “mỏ neo” vững chắc và phù hợp nhằm khôi phục lòng tin thị trường.

Song, theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, tại Hội nghị, như IMF, WB, BIS tiến trình cải cách tài chính nói chung và khu vực Đông Á nói riêng vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức…

Trong quá trình này, nhiều nền kinh tế đã thực hiện cải cách toàn diện và sâu sắc hệ thống thể chế tài chính, đổi mới cơ chế phối hợp trong giám sát tài chính và đề cao vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế nhằm vận dụng tối đa các kinh nghiệm và phát huy hiệu quả các giải pháp triển khai, giúp củng cố nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như tạo ra nhiều thay đổi về diện mạo và cấu trúc hệ thống tài chính thế giới.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 27-28/11/2012, bao gồm 2 phần: Phần hội thảo tập trung 3 chủ đề: tăng cường chính sách thận trọng và quy chế tài chính; Đẩy mạnh nền tảng tài chính và những giải pháp cơ bản hướng tới mục tiêu ổn định hệ thống; Ổn định thị trường tài chính khu vực đông á vì sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu. Phần 2 là phiên hội nghị toàn thể: Đại diện các cơ quan hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý, giám sát sẽ thảo luận đánh giá sự ổn định tài chính của khu vực và đề xuát các giải pháp nhằm xây dựng một hệ thống tài chính đông Á an toàn hơn.