Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thị trường vàng trong nước ảnh hưởng mạnh từ thị trường vàng thế giới. Vì thế, chỉ cần giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng thì vàng lậu đã được ào ào nhập vào Việt Nam.

Trước đây thị trường vàng bỏ ngỏ, không ai quản lý; mỗi bộ, mỗi cơ quan chỉ quản lý một khúc. NHNN trước đây chỉ quản lý nhập khẩu vàng nguyên liệu để dập ra vàng miếng. Khi dập ra vàng miếng thì lại được coi là hàng hóa thông thường. Cả nước có trên 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng, các doanh nghiệp trong giấy phép kinh doanh nếu có câu “kinh doanh vàng” do sở kế hoạch đầu tư cấp, thì đã có thể kinh doanh vàng.

Nghị định 24 ra đời nhằm chấn chỉnh lại thị trường vàng. Cùng với đó là Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong kinh doanh vàng, trong đó có hình thức xử phạt bổ sung là sung công quỹ hiện vật, tang vật vi phạm…

Hai văn bản trên đã tạo khung pháp lý, tạo thay đổi quan trọng trong quản lý thị trường vàng. Kết quả đầu tiên là nhập lậu được chặn một cách cơ bản. Từ tháng 4/2012 trở lại đây thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định, còn chênh lệch với giá vàng quốc tế tăng dần lên 1 - 3 triệu đồng/lượng.

“Nếu trước đây chênh lệch đó mang lại nguồn lợi rất lớn cho người nhập lậu. Nhưng nay không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô”, Thống đốc khẳng định.

Thống đốc ước tính hiện có khoảng 250 - 400 tấn vàng nằm trong dân, nhưng đó không phải là vàng tự sản xuất ra mà chủ yếu phải bỏ ngoại tệ để nhập về.

Giải pháp để giải quyết tình trạng này, theo ông Bình, trước hết là phải ngăn chặn tình trạng “chôn vùi” đó không tăng lên nữa, không tăng vàng hóa nữa, và phải làm sao cho nó giảm đi.

Tính đến ngày 25/10/2012 (tức là 5 tháng sau khi thực hiện Nghị định 24), các TCTD đã mua lại hơn 60 tấn vàng, tính trung bình mỗi tháng mua hơn 10 tấn vàng, tương đương khoảng 30 tỷ USD đã được chuyển thành tiền để phục vụ nền kinh tế.

“Do quý IV các tổ chức tín dụng tập trung thanh khoản cho nhu cầu chi tiêu cuối năm nên NHNN đã lùi thời hạn tất toán vàng đối với các TCTD đến 30/6/2012, nếu không số vàng được mua vào sẽ còn cao hơn nhiều”, Thống đốc cho biết thêm.

Về nhãn hiệu của vàng, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, cũng không loại trừ khả năng sau này khi thị trường vàng đã ổn định thì NHNN sẽ thành lập nhãn hiệu riêng. “NHNN dự kiến toàn bộ mạng lưới mua bán vàng miếng được cấp giấy phép và có tiêu chí quản lý chất lượng, quy chuẩn có máy kiểm định chất lượng theo kỹ thuật hạt nhân 34”, Thống đốc Bình cho hay.

Về yêu cầu liên thông với thị trường thế giới, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước lại không cho là cần thiết, bởi theo ông, “Liên thông có nghĩa là lại chấp nhận một thị trường đầu cơ và nhập lậu về vàng - cái mà chúng ta đã làm được. Cho nên không có việc liên thông với giá vàng thế giới”.

Thống đốc Bình trả lời bằng việc dẫn ra một thực tế: vì thực hiện yêu cầu của nghị quyết Quốc hội, nên cuối năm 2011 Ngân hàng Nhà nước đã phải cho nhập 15 tấn vàng, ứng với việc phải bỏ ra khoảng 0,7 - 0,8 tỷ USD và nguồn vốn đó lại nằm kẹt trong vàng.

Mặt khác, thời điểm đó chưa có Nghị định 24 và giải pháp chính vẫn là cho nhập khẩu. Nay môi trường pháp lý đã thay đổi và cơ quan này kiên quyết không cho nhập một kg vàng nào.Thống đốc Bình trả lời bằng việc dẫn ra một thực tế: vì thực hiện yêu cầu của nghị quyết Quốc hội, nên cuối năm 2011 Ngân hàng Nhà nước đã phải cho nhập 15 tấn vàng, ứng với việc phải bỏ ra khoảng 0,7 - 0,8 tỷ USD và nguồn vốn đó lại nằm kẹt trong vàng. Mặt khác, thời điểm đó chưa có Nghị định 24 và giải pháp chính vẫn là cho nhập khẩu. Nay môi trường pháp lý đã thay đổi và cơ quan này kiên quyết không cho nhập một kg vàng nào.

An Nhi