Bộ Tài chính vừa hoàn thiện và đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính đề xuất, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng nộp lệ phí bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại điểm a và điểm b Mục 1 Biểu mức thu lệ phí tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC.

Thông tư số 150/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng.

Như vậy, đối với tổ chức tín dụng, lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng cấp lần đầu sẽ được điều chỉnh giảm đến 50%, từ 140 triệu đồng/giấy phép theo quy định hiện hành, sẽ giảm còn 70 triệu đồng/giấy phép; tương tự, giấy phép cấp đổi bổ sung, gia hạn hiện nay là 70 triệu đồng/giấy phép, sẽ được giảm còn 35 triệu đồng/giấy phép.

Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng hiện nay là 70 triệu đồng/giấy phép cấp lần đầu sẽ giảm còn 35 triệu đồng/giấy phép) và giấy phép cấp đổi, bổ sung và gia hạn hiện nay là 35 triệu đồng/ giấy phép sẽ giảm còn 17,5 triệu đồng/giấy phép.

Đây là một trong những động thái tiếp theo của Bộ Tài chính sau nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đồng thời, trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn số 1875/NHNN-TD, ngày 19/3/2020 đề xuất điều chỉnh giảm mức thu lệ phí để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Dự kiến, Thông tư này khi được ban hành sẽ có hiệu lực đến hết 31/12/2020./.