Đó là nội dung do Bộ Tài chính đề xuất trong Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp hướng dẫn viên du lịch đang xin ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch sẽ thực hiện nộp phí bằng 50% mức thu quy định tại khoản 1 và khoản 2, điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC.

Cụ thể, dự kiến mức phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa giảm tương ứng: cấp mới sẽ là 1,5 triệu đồng/giấy phép; cấp đổi sẽ là 1 triệu đồng/giấy phép; cấp lại sẽ là 750.000 đồng/giấy phép.

Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm: cấp mới, cấp đổi, cấp lại): đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa sẽ là 325.000 đồng/thẻ; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm sẽ là 100.000 đồng/thẻ.

Theo Bộ Tài chính, mức thu trên sẽ thực hiện đến hết ngày 31/12/2020, các nội dung liên quan đến mức thu lệ phí cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài, cùng như việc nộp, quản lý, chứng từ thu phí, công khai chế độ thu phí vẫn thực hiện theo Thông tư số 33/2018/TT-BTC.

Ngành du lịch đang rơi vào khó khăn nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19

Trên thực tế, dịch Covid-19 đã gây ra đã không chỉ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, mà còn làm suy giảm trực tiếp tới ngành du lịch.

Hồi đầu tháng 2/2020, Tổng cục Du lịch ước tính thiệt hại của ngành du lịch trong 3 tháng (tháng 2-4/2020) từ 5,9-7,7 tỷ USD. Ước tính ngành du lịch tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 gây ra. Các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn bị sụt giảm đến 70%- 80% doanh số.

Đặc biệt sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, ngành du lịch từ vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12/2019 và đầu tháng 1/2020 đã ngay lập tức rơi vào khủng hoảng. Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch là phổ biến hiện nay.

Ngành du lịch Việt Nam không chỉ mất nguồn khách Trung Quốc mà lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng giảm mạnh trong những tháng tới, nhất là từ tháng 1 đến tháng 4 được xem là mùa cao điểm đón khách quốc tế. Dự báo tình hình còn xấu hơn nếu Trung Quốc và thế giới chưa ngăn được dịch trước mùa hè 2020 (tháng 6/2020).

Theo đó, việc hoàn thành mục tiêu năm 2020 đón 20,5 triệu khách du lịch quốc tế là khó có thể thực hiện. Dự báo, ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm mới phục hồi kinh tế du lịch tại các địa phương./.