Ngày 25/5/2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-NHNN. Theo đó, từ ngày 28/5, một số lãi suất điều hành sẽ giảm 1% so với hiện hành.

Cụ thể: giảm lãi suất tái cấp vốn từ 13%/năm xuống 12%/năm, lãi suất cho vay thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14%/năm xuống 13%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 11%/năm xuống 10%/năm.

Giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng từ 4%/năm xuống 3%/năm, và với kỳ hạn trên 1 tháng từ 12%/năm xuống 11%/năm; riêng quỹ tín dụng Nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng trở lên giảm từ 12,5%/năm xuống còn 11,5%/năm.

Lãi suất cho vay với những lĩnh vực khuyến khích như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trỡ, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ mức 15%/năm như hiện nay giảm xuống còn 14%/năm.

Việc giảm lãi suất đã được các chuyên gia dự báo trước. Đặc biệt với yếu tố lạm phát giảm dưới 1%, cụ thể, CPI tháng 5 tăng 0,18%, chỉ tăng 8,34% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức mua thị trường giảm, lãi suất giảm nhưng chi phí vốn vẫn còn cao.

Trước đó, các chuyên gia của HSBC nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm 2% lãi suất chính sách trong tháng Ba và tháng Tư để thúc đẩy tiêu dùng đã không cải thiện được đáng kể tình hình sản xuất, kinh doanh, tín dụng. Các chuyên gia dự đoán, trong vòng hai tuần tới, sẽ có “một đợt giảm trần lãi suất huy động, cũng như các mức lãi suất chính sách”.

Tuy nhiên, thời điểm Ngân hàng Nhà nước công bố có hiệu lực, tức ngày 28/5 tới, đã sớm hơn dự đoán của các chuyên gia.

PA