Bộ Tài chính đang lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ về Dự thảo Nghị quyết ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.

Nghị quyết này quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, áp dụng cho năm ngân sách 2021, năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách 2021-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo Dự thảo, việc xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN phải đảm bảo góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2021-2025 của cả nước, cũng như từng bộ, cơ quan trung ương và từng địa phương. Ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo khó khăn.

Phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2021, kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm giai đoạn 2021-2023, kế hoạch tài chính 05 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của cả nước.

Đồng thời, thúc đẩy từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, phấn đấu giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại thu – chi NSNN, sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tinh giản biên chế, thực hiện cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN đảm bảo nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ công, sử dụng hiệu quả NSNN; góp phần đổi mới quản lý tài chính đối với khu vực sự nghiệp công để giảm mức hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập, tăng nguồn đảm bảo chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế - xã hội.

Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và kiểm tra; bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch; từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đưa tối đa các khoản chi thường xuyên vào định mức chi quản lý hành chính của các bộ, cơ quan trung ương với yêu cầu triệt để tiết kiệm; giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, các đoàn đi công tác nước ngoài; ưu tiên mức phân bổ kinh phí cho khối các cơ quan Tư pháp, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuân thủ thêm một số nguyên tắc: Tiêu chí dân số là tiêu chí chính chia theo bốn vùng, kết hợp các tiêu chí bổ sung phù hợp với thực tế và đặc thù từng địa phương; Định mức phân bổ của ngân sách địa phương được xây dựng cho 13 lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo quy định, hoạt động của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và kinh phí thực hiện chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành đến 31/5/2020 và tiền lương theo mức lương cơ sở 1.600.000 đồng/tháng theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước./.