Báo cáo của cơ quan thống kê cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2020 ước tính đạt 427,2 nghìn tỷ đồng, bằng 28,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 351,6 nghìn tỷ đồng, bằng 27,8%; thu từ dầu thô 17,3 nghìn tỷ đồng, bằng 49,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 58 nghìn tỷ đồng, bằng 27,9%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 63,2 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 70,5 nghìn tỷ đồng, bằng 26%; thu thuế thu nhập cá nhân 41,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2%; thu thuế bảo vệ môi trường 14,1 nghìn tỷ đồng, bằng 20,9%; thu tiền sử dụng đất 38,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2%.

Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Cụ thể: Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2020 ước tính đạt 408,5 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 291,6 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6%; chi đầu tư phát triển 76,6 nghìn tỷ đồng, bằng 16,3%; chi trả nợ lãi 38,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7%.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới các mặt của đời sống xã hội vào ngày 10/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đánh giá, thu ngân sách nhà nước cả năm 2020 có thể giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19.

Cụ thể: Bộ Tài chính dự báo nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2020 sẽ giảm do 3 yếu tố: Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Dự báo năm nay chúng ta đang dự báo ở mức trên dưới 5% nhưng IMF ngày 1/4 dự báo nước ta tăng trưởng chỉ đạt 2,7%, WB dự báo là 4,9%, ADB dự báo 4,8%. Thứ hai, giá dầu thô giảm sâu. Thứ ba, điều chỉnh chính sách thu ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh.

Ngoài ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp hiện rất chậm cũng là một rủi ro lớn đối với nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Số thu này trong dự toán năm nay là 45 nghìn tỷ đồng, đến nay chưa thu được đồng nào.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, Bộ Tài chính đang dự kiến với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong quý II/2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng (dự toán 60 USD/thùng), thu từ cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được, thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140 - 150 nghìn tỷ đồng, trong đó thu ngân sách trung ương giảm khoảng 100 - 110 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40 nghìn tỷ đồng.

Người đứng đầu ngành Tài chính dự báo, trong trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến (dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế), thu ngân sách nhà nước sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics… như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng…/.