Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho hay, thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu ngân sách nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 5/2020 chỉ đạt mức xấp xỉ 15 ngày đầu tháng trước.

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2020 ước tính đạt 529,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 439,9 nghìn tỷ đồng, bằng 34,8%; thu từ dầu thô 18,9 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 70,5 nghìn tỷ đồng, bằng 33,9%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,9 nghìn tỷ đồng, bằng 29,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 79,5 nghìn tỷ đồng, bằng 34,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 82,9 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6%; thu thuế thu nhập cá nhân 52,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,7%; thu thuế bảo vệ môi trường 19,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28,9%; thu tiền sử dụng đất 48,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50,6%.

Trong khi đó, tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2020 ước tính đạt 537,4 nghìn tỷ đồng, bằng 30,8% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 385 nghìn tỷ đồng, bằng 36,4%; chi đầu tư phát triển 103,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1%; chi trả nợ lãi 45,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6%.

Nhìn chung, chi NSNN tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, phòng chống dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi.

Thu NSNN vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương vào ngày 10/4/2020 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, NSNN đang ưu tiên nguồn lực 16,2 nghìn tỷ đồng phòng chống dịch, trong đó tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách ưu tiên cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, tiền ăn và khám chữa bệnh cho người bị cách ly; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ NSNN cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đảm bảo an sinh và an toàn xã hội.

Ngoài ra, NSNN cũng ưu tiên bố trí khoảng 36 nghìn tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch. Đó là chưa kể, việc chủ động bố trí nguồn để tăng cường hàng dự trữ quốc gia (chủ yếu là lương thực), hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo không ai bị đói.

Áp lực chi khá lớn, nhưng trước khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư do tác động của đại dịch Covid-19, dự báo nguồn thu NSNN năm 2020 sẽ giảm. Theo chia sẻ của người đứng đầu ngành Tài chính, hiện nay, Bộ Tài chính đang dự kiến, với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong quý II/2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3% (giảm 1,5% so với kế hoạch), giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng, thu từ cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được thì thu NSNN ước giảm khoảng 140-150 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách trung ương giảm khoảng 100-110 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh dự báo thu NSNN có thể giảm lớn, nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi NSNN.

Trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương trong việc bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội trên địa bàn, Bộ Tài chính cũng đang kiến nghị các địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý./.