Nhiều bộ, cơ quan trung ương vẫn chưa giải ngân được vốn đầu tư công trong năm 2020

Theo báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) ước thực hiện 5 tháng năm 2020 của Bộ Tài chính, trong tổng vốn giải ngân của 5 tháng đầu năm nay, vốn trong nước là 114.819,408 tỷ đồng (đạt 27,96 kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.421,903 tỷ đồng (đạt 12,37% kế hoạch).

Trong đó, có 7 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Trong đó, có 3 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 40% gồm: Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Ngân hàng Phát triển (61,09%), Kiểm toán Nhà nước (43,14%), Ninh Bình (66,6%), Hưng Yên (50,07%), Thái Bình (48,4%), Bắc Giang (47,61%), Nghệ An (43,22%), Nam Định (35,80%).

Có 34 bộ, cơ quan trung ương và 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Trong đó, có 18 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào, như: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Có 126 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%

Đối với nguồn vốn nước ngoài, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 12,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 3,38% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, vẫn còn 44 đơn vị (11 bộ, ngành và 33 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) tỷ lệ giải ngân đạt dưới 2% tổng số vốn kế hoạch được giao khoảng 21.700 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đối với vốn trong nước, việc giải ngân chậm trễ là do một số các dự án của các bộ, ngành, địa phương được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020, do đó chưa thể giải ngân.

Bên cạnh đó, một số dự án đang trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chưa ký hợp đồng nên chưa thực hiện và giải ngân (các dự án của Bộ Y tế là hơn 1.241 tỷ đồng).

Ngoài ra, một số dự án mới được phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và mới giao kế hoạch vốn năm 2020 trong tháng 4 và tháng 5/2020 nên chưa giải ngân.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, từ đầu năm đến nay, một số bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2019 còn lại và được kéo dài đến hết ngày 31/12/2020.

Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, sửa đổi hiệp định vay, hiện nay vẫn chưa xong thủ tục để giải ngân kế hoạch vốn năm 2020...; các dự án giải ngân theo cơ chế hỗ trợ vốn của nhà tài trợ, do đó, việc thực hiện giải ngân vốn phụ thuộc vào tiến độ (tỉnh Thái Nguyên), việc phê duyệt thiết kế dự toán, ký kết hợp đồng phải chờ sự chấp thuận hoặc thư không phản đối của các nhà tài trợ và các ban quản lý dự án trung ương (tỉnh Lạng Sơn).

Hơn nữa, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên việc triển khai dự án tại hiện trường của một số dự án sử dụng vốn vay ODA bị gián đoạn, không có khối lượng; một số dự án khi thực hiện giải ngân phải gửi ADB, tuy nhiên do dịch bệnh tại nước ngoài nên đến nay ADB chưa có ý kiến trả lời.

Cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Đối với năm 2020, với tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Trong khi đó, đến nay, giải ngân đầu tư công đang được thực hiện với tiến độ rất chậm chạp, điều này cho thấy, công tác giải ngân trong năm nay là thách thức lớn.

Ngày 29/5/2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung hết kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án sử dụng từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia để các bộ, ngành địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2020.

Đồng thời, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn.

Ngoài ra, tổng hợp phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế và các địa phương về danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới để báo cáo Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để kiểm soát việc giải ngân theo dự án.

Đối với các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị cần khẩn trương phân bổ hết số vốn kế hoạch năm 2020 còn lại chưa phân bổ theo quy định. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm.

Đồng thời, phải xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai công tác mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định. Tập trung để đẩy nhanh tiến độ; tập trung triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, báo cáo ngay cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời khi có vướng mắc./.