Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng đưa ra nhận định, hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 19/6/2020 đạt mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm trong giai đoạn 2016-2020.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1%-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp; trong đó giảm 0,6%-0,75%/năm mức lãi suất trần tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm mức lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Hiện nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4%-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,9%-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5%-7,4%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 9%-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều, nên nhu cầu vay vốn giảm.

Liên quan đến tình hình tín dụng tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2020 tổ chức vào ngày 05/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định, từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều, nên nhu cầu vay vốn giảm.

Trong những tháng đầu năm 2020, có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm, như trong quý I/2020, VietinBank có dư nợ cho vay là 923.623 tỷ đồng, giảm 1,25 điểm %; MB có dư nợ cho vay là 244.072 tỷ đồng, giảm 1,3 điểm %.

Điều này dẫn đến lợi nhuận của nhiều ngân hàng cũng suy giảm. Với đặc thù là ngân hàng hoạt động dưới mô hình có vốn Nhà nước chi phối, nhóm 3 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và BIDV được coi là đầu tàu của ngành trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Điều này khiến lợi nhuận của cả 3 nhà băng nói trên đều suy giảm trong quý I vừa qua. Cụ thể là: lợi nhuận của Vietcombank đã giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong tình trạng tương tự, lợi nhuận sau thuế của Vietinbank giảm 5%, đạt 2.405 tỷ đồng. Đây cũng là quý suy giảm lợi nhuận đầu tiên của sau 6 năm tăng trưởng liên tiếp. Còn khoản lợi nhuận sau thuế của BIDV thậm chí đã giảm 29% (tương đương 581 tỷ đồng) với nguyên nhân chính cũng vì chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Cũng tại buổi họp báo vào ngày 5/6/2020 của Ngân hàng Nhà nước, khi nói về khả năng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm tiếp lãi suất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi nền kinh tế chịu tác động mạnh của dịch Covid -19, Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh lãi suất điều hành. So với một số nước, các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là khá sâu. Khi khó khăn, doanh nghiệp mong muốn được giảm lãi suất song cũng còn tuỳ thuộc vào sức khoẻ, tình hình của hệ thống. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các ngân hàng Việt Nam cũng không cao so với khu vực.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết điều này không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước không chỉ đạo giảm lãi suất thêm nữa. Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí, lợi nhuận để giảm lãi suất tối đa cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát. Nếu diễn biến lạm phát thay đổi, có điều kiện thuận lợi thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều hành lãi suất phù hợp cũng như các giải pháp khác. /.