ACMF có sự tham gia của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán của 10 quốc gia thuộc khối ASEAN gồm Singgapore, Malaisia, Thái Lan, Indonesia, Mianma, Campuchia, Lào, Brunây, Philippines và Việt Nam. Năm 2020, theo cơ chế luân phiên, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ACMF.

Trước đó, năm 2017, 2018, ACMF đã lần lượt xây dựng các tiêu chuẩn về trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu phát triển bền vững ASEAN. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là những khái niệm còn rất mới khi tính đến nay mới chỉ có 2 địa phương là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện phát hành thí điểm trái phiếu xanh. Chưa có doanh nghiệp nào thực hiện việc này.

Về hành lang pháp lý, từ năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu lên quan điểm phải phát triển thị trường trái phiếu cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo an toàn hệ thống, từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và 65% GDP vào năm 2030; dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và 20% GDP vào năm 2030.

Liên quan đến trái phiếu chính phủ (TPCP), thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, 10 tháng đầu năm nay, trên thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 260.116 tỷ đồng TPCP, đạt 100% kế hoạch năm, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,25 năm. Năm 2021, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp đã thực hiện năm 2020 nhằm huy động vốn đảm bảo cân đối Ngân sách, với kỳ hạn danh mục bình quân sẽ được duy trì ở mức 7-8 năm theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2030. Bên cạnh đó, Kho bạc tiếp tục thực hiện phát hành bổ sung vào các mã TPCP đang lưu hành để tăng quy mô, giảm số lượng mã trái phiếu, duy trì quy mô 15.000 – 18.000 tỷ đồng/mã trái phiếu, hướng tới 1 tỷ USD/mã trái phiếu. Được biết, Kho bạc Nhà nước đang hoàn thiện để trình ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP, dự kiến thực hiện từ đầu năm 2021.

Trong thời gian tới, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết sẽ triển khai nghiệp vụ đấu thầu mua lại, hoán đổi trái phiếu, phát hành trái phiếu có lãi suất thả nổi và nghiệp vụ phát hành trái phiếu đảm bảo thanh khoản cho các PD (nhà tạo lập thị trường) theo Nghị định số 95/2018/NĐ-CP và Thông tư số 111/2018/TT-BTC và nghiên cứu hình thức giao dịch khớp lệnh theo Lộ trình phát triển thị trường TPCP đến năm 2030 tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg. Năm 2021 cũng là năm ngành chứng khoán sẽ hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán TPCP theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn hơn nữa thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết và giao dịch trái phiếu; triển khai các giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo Quyết định số 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2030.

Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thông tin cập nhật từ Bộ Tài chính cho biết, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 10,28% GDP của năm 2019, vượt mục tiêu kế hoạch nói trên. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển ở tình trạng quá nóng khi nhiều doanh nghiệp huy động vốn với lãi suất cao, khiến Bộ Tài chính nhiều lần phải lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư thận trọng với các quyết định mua trái phiếu. Về phía doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ và cần có biện pháp để thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết với nhà đầu tư, bao gồm cam kết về mua lại trái phiếu trước hạn.

Định hình tiêu chuẩn trái phiếu phát triển bền vững và hướng các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp, hiểu và thực thi tiêu chuẩn này sẽ giúp quá trình gọi vốn, sử dụng vốn an toàn hơn cho các doanh nghiệp và những chủ thể liên quan. Theo xu hướng đầu tư quốc tế, ngày càng nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư tài chính lớn xem xét đến các tiêu chí về phát triển bền vững trước khi quyết định rót vốn vào doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam chậm bắt kịp xu hướng này thì cửa gọi vốn trên thị trường quốc tế sẽ ngày càng thu hẹp./.