Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã khẳng định điều này tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020, chiều tối ngày 02/12/2020. Phó Thống đốc cũng trả lời thêm một số vấn đề nóng liên quan đến ngành ngân hàng do phóng viên nêu ra.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các sàn đầu tư chứng khoán Forex tại Việt Nam đang hoạt động không phép

Với sàn đầu tư chứng khoán Forex, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại hối mới được phép mua bán và cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ, thực hiện những dịch vụ phái sinh trên thị trường trong nước và quốc tế…

Phó Thống đốc khẳng định, hiện nay, chưa cấp phép bất kỳ sàn đầu tư chứng khoán Forex nào, tất cả các sàn đang hoạt động không đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

“Những cá nhân nào tham gia đầu tư vào đây đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật. Người dân khi đầu tư các lĩnh vực này phải quan tâm đến những lời mời chào có phù hợp với thực tế hay không, phải quan tâm đến tính chất pháp lý của các tổ chức này”, Phó Thống đốc nêu rõ.

Về việc do lãi suất ngân hàng rất thấp, có tình trạng rút tiền gửi tiết kiệm để đưa ra các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu…, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã biết. Song ông cũng nhấn mạnh, việc rút tiền của người gửi tiền ra đầu tư cái gì là do quyền của người gửi tiền. Việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là do các nhà đầu tư.

Hiện nay, việc tăng trưởng tiền gửi 10 tháng đầu năm vẫn là 10,65%, tăng nhanh hơn cả chỉ số tín dụng của nền kinh tế. Những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào.

Việc nhà đầu tư là người dân rút tiền ra để cho vào trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thống đốc cho biết, Nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn đều theo tinh thần là hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ, làm sao để việc mua trái phiếu đó đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu của mình.

Mua bán nợ xấu của VAMC hiện nay rất tích cực

Theo chức năng, nhiệm vụ, Công ty Mua bán nợ (VAMC) được phép mua bán nợ xấu. Theo đề xuất của VAMC, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể chấp thuận trên cơ sở đủ các điều kiện có thể thực hiện sàn giao dịch này.

Phó Thống đốc nêu rõ, mua bán nợ xấu của VAMC hiện nay rất tích cực.

“Khi đủ điều kiện công nghệ và điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ cấp phép giao dịch trên sàn. Đó cũng là điều kiện thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam. Quá trình triển khai vẫn có thể là giao dịch trực tiếp, nếu chúng ta có điều kiện thì phát triển sàn giao dịch này có chức năng kinh doanh mua bán nợ xấu, kể cả các thành viên là những người có nhu cầu mua bán đều có thể giao dịch bán hàng. Trách nhiệm quản lý trước hết là do VAMC thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình”, Phó Thống đốc nói.

Đã hỗ cho vay, giảm lãi hơn 17.000 khách hàng

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để khắc phục hậu quả lũ lụt tại miền Trung, Ngân hàng Nhà nước đã có ngay văn bản chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả tổ chức tín dụng nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng cổ phần ngoài nhà nước, rà soát lại tất cả các khoản cho vay của những người bị thiệt hại bởi lũ lụt, hoãn giãn, tạo điều kiện hạ lãi suất cũng như chưa thu nợ, thu phí, thu lãi đối với đối tượng, doanh nghiệp bị thiệt hại.

“Ngay cả gia đình chính sách, gia đình thuộc hộ nghèo, thuộc đối tượng vay ưu đãi cũng được xem xét trong việc hoãn giãn các khoản nợ đến hạn”, Phó Thống đốc cho biết thêm.

Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay, đặc biệt cho vay tiêu dùng, để khôi phục sản xuất, khắc phục khó khan, chẳng hạn như xây dựng lại, lợp lại nhà, xây lại những phần đã bị hư hỏng, thiệt hại hay mua các vật dụng phục vụ đời sống hằng ngày.

“Cho đến nay dư nợ bị thiệt hại theo thống kê của chúng tôi là khoảng 19,6 nghìn tỷ đồng trong khu vực các tỉnh miền Trung chịu lũ lụt vừa qua; đã hỗ cho vay, giảm lãi hơn 17.000 khách hàng, dư nợ trên 10 nghìn tỷ đồng; cho vay mới để khắc phục khó khăn là 7.000 khách hàng với số tiền cho vay mới trên 4 nghìn tỷ đồng. Đây là con số thống kê nhanh của ngành”, Phó Thống đốc công bố.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thứ Sáu tới (4/12), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn thiệt hại, triển khai những giải pháp của ngành trong việc cho vay hỗ trợ tín dụng cũng như là tín dụng tiêu dùng, sinh hoạt cho bà con vùng lũ lụt.

Vì sao phải kiên định việc quản lý vàng vào theo Nghị định 24?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về ý kiến của Ngân hàng Nhà nước vớinhững kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 về quản lý vàng sau 8 năm có hiệu lực của Hiệp hội Vàng, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa ra quan điểm là kiên định với những chính sách, cơ chế và những kết quả đã được chứng minh là có hiệu quả và phù hợp trong thời gian qua, đó là Nghị định 24 về quản lý vàng.

“Trong đó, có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung mà Hiệp hội Vàng đề xuất và cũng phân tích đánh giá những mặt thiệt hơn trong câu chuyện này”, Phó Thống đốc nói.

Vì sao phải đặt ra quan điểm kiên định đó? Theo lý giải của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Trong thời gian từ năm 2012 đến nay, Nghị định 24 đi vào cuốc sống thì thấy rằng lợi ích đem lại rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Đó là giá vàng không còn “nhảy múa” như trước khi có Nghị định 24 và không ảnh hưởng chung tới tất cả các giá cả hàng hóa, không ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

“Nếu như giá vàng lên xuống thất thường sẽ tạo ra những biến động về yếu tố tâm lý cũng như kéo theo ảnh hưởng giá cả hàng hóa, vì dù sao vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải là hàng hóa bình thường như những loại hàng hóa khác, mà vẫn là đối tượng được quản lý ngoại hối một cách chặt chẽ. Chính vì thế có cơ chế theo Nghị định 24 vừa qua cho vàng”, Phó Thống đốc lý giải thêm.

Về câu chuyện thành lập sàn vàng hay tạo điều kiện thêm cho kinh doanh vàng miếng, vàng nguyên liệu, Phó Thống đốc cho biết, vấn đề này đã nhiều lần được đặt ra chứ không phải mới lần này.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến đó và sẽ tiếp tục có những nghiên cứu một cách thấu đáo nhưng trước hết phải mang lại lợi ích chung cho sự ổn định vĩ mô, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, mọi người dân và sau đó mới tính đến lợi ích của đối tượng, thành phần tham gia kinh doanh vàng. Chúng ta phải vì lợi ích chung trước”, Phó Thống đốc nhấn mạnh./.