Nghị định 147 quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập (Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc Quỹ); hoạt động huy động vốn, cho vay, đầu tư, ủy thác và nhận ủy thác để thực hiện chức năng Quỹ đầu tư phát triển địa phương của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC).

Theo Nghị định này, quỹ đầu tư phát triển địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cho vay và đầu tư tại địa phương theo quy định tại Nghị định này. UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Quỹ.

Quỹ đầu tư phát triển địa phương có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Tên gọi của Quỹ đầu tư phát triển địa phương: Quỹ đầu tư phát triển, ghép với tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước.

Phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm: Huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; cho vay các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định này; đầu tư các dự án, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định này; ủy thác cho vay, đầu tư; nhận ủy thác quản lý các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật và Nghị định này; thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo ủy quyền của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm có: Hội đồng quản lý; Ban Kiểm soát; Ban điều hành gồm Giám đốc Quỹ, các Phó Giám đốc Quỹ, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện thành lập mới quỹ đầu tư phát triển địa phương gồm:

1- Có vốn điều lệ thực có tại thời điểm thành lập không thấp hơn 300 tỷ đồng.

2- Có đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

3- Có dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương phù hợp với quy định.

Về đối tượng cho vay, Nghị định nêu rõ, chủ đầu tư thuộc đối tượng cho vay của quỹ đầu tư phát triển địa phương phải đáp ứng các điều kiện sau:

(i) Có dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

(ii) Không là công ty con của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

(iii) Chủ đầu tư là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.

Về thời hạn cho vay, Nghị định cũng nêu rõ, quỹ đầu tư phát triển địa phương quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án trên cơ sở kết quả thẩm định, khả năng thu hồi vốn của dự án, khả năng trả nợ của chủ đầu tư nhưng tối đa là 15 năm. Trường hợp cho vay vượt quá thời hạn cho vay tối đa theo quy định, Quỹ đầu tư phát triển địa phương thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Nghị định cũng giới hạn cho vay đối với một dự án tại thời điểm giải ngân không vượt quá 20% vốn chủ sở hữu của quỹ đầu tư phát triển địa phương được ghi trên báo cáo tài chính gần nhất tại thời điểm giải ngân vốn. Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng của quỹ đầu tư phát triển địa phương không được vượt quá 25% vốn chủ sở hữu của quỹ được ghi trên báo cáo tài chính gần nhất tại thời điểm giải ngân vốn.

Đối với một dự án, trường hợp quỹ vừa cho vay vừa đầu tư thì tổng giới hạn đầu tư và cho vay tại thời điểm giải ngân không vượt quá 30% vốn chủ sở hữu của uỹ được ghi trên báo cáo tài chính gần nhất tại thời điểm giải ngân vốn.

Đối với dự án sử dụng nguồn vốn của các nhà tài trợ quốc tế có quy định về giới hạn cho vay khác với quy định của Nghị định này thì thực hiện theo thỏa thuận đã ký kết với nhà tài trợ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/2/2021 và thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007.

Về thời gian chuyển tiếp, Nghị định nêu rõ, các dự án cho vay, đầu tư đã được ký kết trước ngày 05/2/2021 được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký kết theo giới hạn cho vay, đầu tư quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP cho đến hết thời hạn hợp đồng. Trường hợp sửa đổi, bổ sung các hợp đồng này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Trong thời hạn 06 tháng kể từ 05/2/2021, UBND cấp tỉnh ban hành mức lãi suất cho vay tối thiểu theo quy định tại Điều 25 Nghị định này. Lãi suất cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định so 37/2013/NĐ-CP cho đến khi UBND cấp tỉnh ban hành mức lãi suất cho vay tối thiểu.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, thì hiện cả nước có 42 địa phương thành lập quỹ đầu tư phát triển địa phương với mục tiêu huy động nguồn vốn trung và dài hạn để thực hiện cho vay, đầu tư trực tiếp các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa bàn.

Mặc dù có tới 42 quỹ đầu tư phát triển địa phương, nhưng chỉ có tổng nguồn vốn hoạt động chỉ có 28.040 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 75% và vốn huy động chiếm 35%. Nguồn vốn hoạt động của các quỹ chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn Chính phủ vay về cho vay lại (vốn ODA), chiếm tới 65% trong tổng vốn huy động; còn lại chủ yếu là tiền bảo hành công trình, ký quỹ của chủ đầu tư, tiền gửi của các quỹ tài chính địa phương… (chỉ có 19 quỹ có hoạt huy động vốn, trong đó có một số quỹ chỉ huy động nguồn vốn ký quỹ, ký cược từ các công trình sử dụng ngân sách với lãi suất 0%/năm).

Điều đáng lưu ý là có tới 41 quỹ đầu tư phát triển địa phương (ngoại trừ Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh nay là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh - HFIC - hoạt động như doanh nghiệp) hoạt động không khác gì quỹ đầu tư ủy thác. Thay vì thực hiện chức năng huy động vốn trung, dài hạn thực hiện đầu tư vào dự án; thành lập tổ chức kinh tế; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư; và thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, thì các quỹ chủ yếu tập trung vào hoạt động cho vay.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, sau hơn 20 năm hoạt động, tổng số vốn vốn các quỹ xuất ra để cho vay, đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp chỉ vào khoảng 14.964 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tập trung cho vay, chiếm đến 81%./.