Triển vọng tăng trưởng GDP phục hồi mạnh

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, năm 2021 tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt trên 6,3%. Điểm tích cực là đà phục hồi tăng trưởng cao đi kèm với cầu hàng hóa nước ngoài phục hồi; triển vọng tăng vốn đầu tư FDI, ước tính tăng 8,4% trong năm 2021. Chính sách trợ giúp vĩ mô tiếp tục duy trì, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng đạt 14% trong năm nay.

Theo “Báo cáo vĩ mô thị trường 2021” của BSC nhận định, năm nay, Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành nước dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 trong khu vực. Nhiều ngành dự kiến sẽ ghi nhận mức phục hồi tích cực về hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của mỗi ngành và các doanh nghiệp sẽ tương đối phân hóa tùy theo chính sách điều hành, trọng tâm của Chính phủ; nội lực và sức khỏe tài chính của mỗi doanh nghiệp; định hướng chiến lược của ban lãnh đạo từng công ty...

Ngoài ra, tính tới thời điểm này, trên thế giới có hơn 20 loại vắc-xin đang được nghiên cứu, trong đó có 8 loại đang được thử nghiệm ở pha III. Các vắc-xin dự kiến được phân phối rộng rãi hơn vào nửa cuối năm 2021. Việc này có thể giúp hồi phục nhu cầu và sức mua các mặt hàng tiêu dùng, qua đó tác động tích cực lên sự hồi phục của các doanh nghiệp xuất khẩu và bản thân nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Các nhóm ngành được BSC kỳ vọng sẽ phục hồi tốt như dệt may, thủy sản.

Giải ngân đầu tư công sẽ là “đôi cánh” nâng đỡ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng đáng khích lệ, ước đạt 91,13% so với kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, tương đương với ước ghi nhận khoảng 466.300 tỷ đồng. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư công tập trung vào xây dựng hạ tầng giao thông liên vùng và kinh tế số, là trọng điểm thúc đẩy tăng trưởng các ngành nghề kinh tế với hàng loạt dự án như: Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam, các tuyến đường vành đai, ven biển.

Chính sách trên có điểm tương đồng tương đối lớn với chính sách điều hành của Trung Quốc hậu giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đây chính là yếu tố cốt lõi giúp kinh tế Trung Quốc ghi nhận sự tăng trưởng thần tốc giai đoạn sau đó. Các nhóm ngành được BSC kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp bao gồm xây dựng và vật liệu xây dựng. Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông sẽ giải quyết “nút thắt cổ chai” về vận chuyển, kết nối. Từ đó giúp các nhóm ngành như: Bất động sản thương mại và khu công nghiệp, cảng biển có thể được hưởng lợi gián tiếp.

Trên cơ sở triển vọng vĩ mô như vậy, BSC đưa ra quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán trong năm 2021.

Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9/2021

Năm 2021 được coi là năm bản lề trong việc thay đổi về cấu trúc, cũng như chất lượng hướng đến giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam với Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 được chính thức áp dụng đồng thời từ 1/1/2021. Điều này sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh tương thích hơn với chuẩn mực quốc tế, nâng cao tính minh bạch, tránh hiện tượng chồng chéo... Từ đó tháo gỡ nhiều vướng mắc trong hoạt động đầu tư của khối ngoại.

Mặt khác, triển vọng trong năm nay Việt Nam triển khai các sản phẩm mới quan trọng như: giao dịch T+0, bán chứng khoán chờ về, hợp đồng tương lai và quyền chọn... Một khi những đổi mới này sớm diễn ra, thì đây là tiền đề giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thỏa mãn được các tiêu chí nâng hạng thị trường.

BSC dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội được FTSE nâng hạng vào tháng 9/2021, cơ hội để MSCI nâng hạng sẽ diễn ra trong giai đoạn 2023-2025. Tuy nhiên, tốc độ nâng hạng thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ và nỗ lực cải thiện tiêu chí nâng hạng của các cơ quan chức năng. BSC nhận thấy sự nỗ lực cải thiện đáng kể của thị trường Việt Nam, cũng như các cơ quan chức năng thông qua quy mô, cũng như thanh khoản giao dịch giai đoạn đầu tháng 1/2021 tăng gấp hai đến ba lần so với năm 2019, lên mức 16.000 - 18.000 tỷ đồng/phiên. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020 và nhiều điều kiện khác đang dần được đáp ứng. Điều này minh chứng cho quá trình nâng hạng thị trường sẽ sớm được rút ngắn.

Kênh đầu tư chứng khoán tiếp tục hút tiền

Tín hiệu tích cực nữa với thị trường chứng khoán trong năm 2021 là động lực kép từ dòng vốn cá nhân trong nước với môi trường lãi suất thấp. Năm 2020 đánh một dấu mốc mới với số lượng tham gia mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư mới (F0). Tài khoản cá nhân trong nước hiện chiếm đến 78,7% tổng giá trị giao dịch, tăng từ mức 70% năm 2019. Trong năm 2020, lượng mở tài khoản mới ghi nhận tới 393.700 tài khoản (+108% YoY), nâng tổng số tài khoản chứng khoán lên mức 2,73 triệu tài khoản. Dẫu vậy, tổng số lượng tài khoản chứng khoán chỉ mới chiếm 2,8% tổng dân số cả nước, đây là mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. BSC tin rằng, tiềm năng từ thị trường vẫn còn rất lớn, xu hướng chuyển dịch đầu tư sang thị trường chứng khoán chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu.

Thanh khoản trên sàn HOSE tăng mạnh kể từ tháng 2/2020 đến nay

Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh tại thị trường Việt Nam là minh chứng rõ ràng về sức hút đầu tư của thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện tại. Dòng vốn nội được dự kiến vẫn là nhân tố chính dẫn dắt thị trường chứng khoán năm 2021. Hiện tượng này không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam, mà còn tương đồng với nhiều thị trường khác như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Đáng chú ý, môi trường lãi suất thấp đã có những tác động trực tiếp thay đổi khẩu vị của nhà đầu tư trong bối cảnh kênh đầu tư ưu thích, có giá trị giao dịch hàng đầu là bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng do thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, thị trường vàng vẫn bị kiểm soát và bắt đầu có xu hướng điều chỉnh giảm, quy mô kênh trái phiếu đang bị thắt chặt, do các quy định chặt chẽ của Nghị định số 81/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam và khu vực mới nổi sẽ được định giá ở mức cao hơn trong bối cảnh các ngân hàng trung ương sẽ duy trì chính sách điều hành lãi suất ở mức thấp trong 1-2 năm tới. BSC dự báo trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được định giá giao dịch với mức PE bình quân khoảng 18 lần, cao hơn khoảng 15-20% so với mức PE trung bình giai đoạn 2015-2019 (15 lần) và giai đoạn 2011-2013 (12 lần).

Thị trường chứng khoán được kỳ vọng có thêm diễn biến tích cực trong năm 2021

Phục hồi tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các ngành trong năm 2021 (tăng trưởng EPS năm 2021 dự báo = 22%) là yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch ở mức hấp dẫn hơn. Dự báo hiệu suất của tất cả các nhóm đều có mức tăng nhẹ cùng chiều với sự vận động của VN-Index. Theo dự báo của BSC dựa trên 65 mã cổ phiếu chiếm khoảng 80% vốn hóa thị trường, lợi nhuận sau thuế của VN-Index năm 2020F và năm 2021F sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là -10% YoY và +28% YoY, tương đương mức tăng trưởng EPS năm 2021 = 22% với giả định tỷ lệ pha loãng cổ phiếu bình quân 2016-2019 = 6%. Mức tăng trưởng lợi nhuận được dự báo khả quan đến từ sự phục hồi chung các nhóm ngành kinh tế với tỷ trọng đóng góp chính đến từ các ngành: Ngân hàng, bất động sản, công nghiệp, dầu khí và dịch vụ tiêu dùng bán lẻ. Theo đó, VN-Index giao dịch với mức PE dự báo năm 2021 = 14.3 lần. BSC dự báo VN-Index theo kịch bản tích cực sẽ đạt 1.258 điểm vào cuối năm 2021.

So với khu vực, thị trường Việt Nam vẫn đang được định giá thấp hơn tương đối nhiều, trong khi đó hiệu suất hoạt động ở mức cao nhất khu vực (ROE =13%). Thị trường chứng khoán Việt Nam đang khá hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, vì mức độ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh thấp, lợi nhuận của các nhóm ngành dự kiến hồi phục khả quan, nền tảng vĩ mô ổn định./.