Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú

Pháp luật không bảo vệ cho những rủi ro khi đầu tư vào các sàn Forex

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, chiều tối ngày 2/3/2021, Phó Thống đốc khằng định, đối với người dân đã không tuân theo quy định pháp luật, mà đưa tiền vào các sàn Forex đầu tư, thì rõ ràng là hết sức rủi ro và chắc chắn pháp luật không bảo vệ cho những rủi ro đó, khi đã được cảnh báo, vì luật pháp đã quy định rất rõ.

“Chính vì thế, chúng tôi cũng đề nghị mỗi người dân hết sức thận trọng, nhất là với dạng kinh doanh mời chào đến mấy trăm phần trăm lãi suất với lợi nhuận khi trong điều kiện hiện nay rất khó khăn để có được lợi nhuận cao như thế”, Phó Thống đóc nhấn mạnh.

Ông cũng một lần nữa khuyến cáo các nhà đầu tư, người dân có tiền, trước khi đầu tư vào lĩnh vực nào đó, nên tham khảo, tư vấn thêm từ các cơ quan chức năng, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng.

Phó Thống đốc cũng cho biết, đối với quản lý với giao dịch hợp pháp, khó khăn của trung gian thanh toán như ví điện tử… khó phát hiện ra được những giao dịch nào là hợp pháp và không hợp pháp.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, điều đầu tiên mà NHNN, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, là luôn coi trọng bảo đảm an toàn an toàn cho việc cung ứng sản phẩm trung gian thanh toán và làm sao có những đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro của chính những đơn vị đó và cho những người tham gia thanh toán.
Chính vì thế, đã có rất nhiều văn bản như Thông tư 19, Thông tư 35, thậm chí không phải ban hành gần đây mà ban hành rất lâu rồi, có văn bản từ năm 2014 đã cảnh báo chuyện này.

“Hằng năm, chúng tôi chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như các trung gian thanh toán thường xuyên cảnh báo cho người sử dụng và tất cả những giao dịch thông qua các ngân hàng được phép, các tổ chức trung gian thanh toán được phép một cách công khai, chính xác thì câu chuyện phát hiện ra hợp pháp hay bất hợp pháp không có gì là khó”, Phó Thống đốc chỉ rõ.

Phó Thống đốc lưu ý người dân khi tham gia vào các hệ thống thanh toán này là cần bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân của mình, tuân thủ những quy định để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia.

Ông mong người dân quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các tổ chức tín dụng.

Sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật

Về đầu tư vào tiền ảo, Phó Thống đốc cho hay, từ năm 2012-2013 đã đặt ra câu chuyện này và năm 2014 đã có tinh thần chỉ đạo của Chính phủ rất rõ ràng, xác định tiền ảo là tiền nào. Ví dụ như tiền bitcoin hoặc một số loại tiền khác có phải là tiền pháp lệnh không?

“Chúng tôi khẳng định không phải đồng tiền pháp lệnh, nó là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp. Nó không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam. Chính vì thế, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của chúng ta hiện nay là vi phạm pháp luật”, lãnh đạo NHNN khẳng định.

Ông Tú cho biết, cơ quan chức năng như NHHH, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, tiền ảo này hoàn toàn không phải là tiền điện tử.

Ở góc độ khác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, đây không phải là kinh doanh đa cấp mà đây là hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo quy định của pháp luật hiện nay thì kinh doanh đa cấp, hàng hóa phải rất rõ ràng. Tức là đối với sàn Forex hay tiền ảo, không phải là mặt hàng có thể kinh doanh đa cấp, mà là mặt hàng cấm trong kinh doanh đa cấp.

Về góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thứ trưởng cũng cho biết, cũng đã có những khuyến cáo không nên tham gia vào những hình thức kinh doanh này.

“Chúng ta tham gia cũng là vi phạm pháp luật vì đây là hình thức bị cấm. Thứ hai là quyền lợi của người tham gia chắc chắn ảnh hưởng và không có phương thức nào để chúng ta có thể đòi lại tiền mà chúng ta tham gia”, lãnh đạo Bộ Công Thương một lần nữa nhấn mạnh.

Từng bước đưa loại hình đầu tư kinh doanh Forex vào khuôn khổ

Cũng tại buổi họp báo, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay, liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an đã tập trung 3 giải pháp sau:

Thứ nhất, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với NHNN Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ, ban, ngành có liên quan nghiên cứu về loại hình đầu tư kinh doanh Forex này, từng bước đưa loại hình đầu tư kinh doanh này vào khuôn khổ, theo nhiệm vụ, chức năng của pháp luật Việt Nam để có thể kiểm soát được.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền để cảnh báo các nhà đầu tư không bị lừa đảo, lôi kéo vào các hoạt động trá hình như cho vay nặng lãi, kinh doanh đa cấp, nghe tư vấn của người không có trình độ chuyên môn, bằng cấp, chứng chỉ hành nghề.

Thứ ba, các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng, sử dụng hình thức đầu tư, kinh doanh, môi giới của những hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi có đầy đủ chứng cứ thì cơ quan công an có thể tiến hành xử lý các cá nhân, tổ chức đó./.