PAN chọn làm nông nghiệp, thực phẩm và phân phối

Đại hội đồng cổ đông CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group) chiều 23/4/2021 thông qua các tờ trình của HĐQT trong đó có việc loại bỏ ngành vệ sinh nhà cửa và bổ sung 6 ngành mới, gồm “Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản”; “Sản xuất các loại bánh từ bột”; “Sản xuất ca cao, sôcôla và bánh kẹo”; “Sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn”; “Sản xuất cà phê”; “Sản xuất thực phẩm khác”.

Tổng giám đốc PAN cho biết, định hướng chiến lược của Tập đoàn đến năm 2025 là tập trung phát triển năng lực sản xuất lõi tại từng mảng kinh doanh

Chia sẻ tại Đại hội, Tổng giám đốc PAN Group, bà Nguyễn Thị Trà My cho biết, hiện tại, PAN có 3 lĩnh vực kinh doanh chính. Thứ nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện thông qua CTCP PAN Farm; CTCP PAN Farm gồm 2 công ty con trực tiếp là CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) và CTCP PANHULIC (PHJ) và 1 công ty liên kết là CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC).

Thứ hai là lĩnh vực thực phẩm, được quản lý và điều phối bởi CTCP Thực phẩm PAN (PAN Food). Mảng kinh doanh này bao gồm những mảng kinh doanh chính như: mảng bánh kẹo thực hiện thông qua PAN Food và Bibica; mảng thủy sản thực hiện bởi CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Aquatex Bentre) và CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN); mảng nước mắm thực hiện tại CTCP Thủy sản 584 Nha Trang và mảng hạt tại CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) và thứ ba là lĩnh vực phân phối, thực hiện thông qua CTCP Phân phối hàng tiêu dùng PAN (PAN CG), công ty mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2019.

Tổng giám đốc PAN cho biết, định hướng chiến lược của Tập đoàn trong giai đoạn 2020 - 2025 là tập trung phát triển năng lực sản xuất lõi tại từng mảng kinh doanh trên nền tảng sẵn có; đồng thời tận dụng cơ hội, nếu có, trên thị trường để M&A các công ty tốt, phù hợp với ngành nghề kinh doanh và chiến lược phát triển. Năm 2020, Tập đoàn không phát sinh các hoạt động M&A lớn, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phần lớn các khoản đầu tư mới trong năm 2020 của Tập đoàn là đầu tư mua để tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty nền tảng (VFC - nông nghiệp và Fimex - thủy sản); phần lớn hơn, Tập đoàn và các công ty thành viên tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án phát triển nâng cao năng lực sản xuất nội tại, chẳng hạn Vinaseed tăng năng lực sấy giống, gạo; Fimex tăng diện tích ao nuôi và nhà máy chế biến; Công ty 584 Nha Trang xây dựng nhà máy mới…

Liên quan đến 2 doanh nghiệp mới được gia tăng đầu tư, đến ngày 31/12/2020, Tập đoàn chính thức sở hữu 47,97% vốn điều lệ của VFC, tương ứng với 15.390.932 cổ phần thông qua CTCP PAN Farm. PAN đặt mục tiêu tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại VFC lên trên 50% để hợp nhất kết quả kinh doanh của VFC, gia tăng quy mô của Tập đoàn.

Với CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), PAN dự kiến gia tăng khoản đầu tư tại Fimex của PAN và các công ty thành viên lên khoảng 160 tỷ đồng. Lý do thực hiện Fimex VN là công ty hàng đầu của ngành tôm Việt Nam với tiềm năng phát triển rất lớn, đã có chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn để khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiệu quả của PAN được đóng góp chủ yếu từ mảng giống cây trồng và mảng gạo. Các sản phẩm gạo của Tập đoàn nhắm đến phân khúc gạo đóng gói chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc và quản lý sản xuất khép kín toàn bộ chuỗi giá trị, từ giống, đến trồng trọt, thu hoạch và đóng gói. Tập đoàn đang và sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm gạo thơm ST, với giống được mua bản quyền trực tiếp từ tác giả Hồ Quang Cua. Chủ tịch PAN, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, PAN đạt được thỏa thuận với tác giả gạo ST25 là mua giống sản xuất gạo, nhưng chưa có thỏa thuận đăng ký thương hiệu. “Cần có cách giữ thương hiệu Việt Nam”, ông nói.

Tập trung vào phân khúc cao cấp, PAN chốt kế hoạch lợi nhuận hợp nhất 495 tỷ đồng

Năm 2020, Tập đoàn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát, cao điểm vào 6 tháng đầu năm, cộng thêm tác động lớn từ hạn mặn kỷ lục tại Đồng bằng sông Cửu Long và lũ lụt miền Trung. Nhờ thành công trong chống dịch của Chính phủ, cùng sự chủ động trong điều phối của Tập đoàn và nỗ lực từ các đơn vị thành viên, Tập đoàn vẫn vượt kế hoạch tại hầu hết các chỉ tiêu chính.

Báo cáo của Tổng giám đốc cho biết, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn năm 2020 đạt 8.329 tỉ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, mảng nông nghiệp đóng góp 1.652 tỉ đồng, tương đương 19,8% và mảng thực phẩm đóng góp 6.677 tỉ đồng, tương đương 80,2%, doanh thu xuất khẩu đạt 4.415 tỉ, chiếm 53% tổng doanh thu.

Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 333 tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ cả năm đạt 188 tỉ, vượt kế hoạch 24%. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của PAN đạt 11.336 tỉ đồng, tăng 571 tỷ đồng tương đương 105% so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả 5.210 tỷ đồng, tương đương 46% tổng tài sản, trong đó nợ ngắn hạn là 3.695 tỷ đồng, nợ dài hạn 1.515 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 6.173 tỷ đồng, tương đương 54% tổng tài sản.

Năm 2020, dù nhiều thời điểm cam go, Tập đoàn vẫn hoàn thành tốt vai trò nhà tài trợ đặc biệt cho Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020. PAN cũng có 5 nhóm sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia, là những sản phẩm giá trị gia tăng tiêu biểu đang được tiêu thụ mạnh cả trong nước và xuất khẩu.

Đại hội đồng cổ đông PAN chốt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 10.025 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 495 tỷ đồng

Đánh giá về cơ hội và rủi ro năm 2021, lãnh đạo PAN cho rằng, rủi ro lớn nhất từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên khác với lần bùng phát dịch bệnh thứ nhất, khi mà các doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, tập đoàn đã có các công cụ bán hàng giúp có thể đưa hàng đến được với người tiêu dùng mà không cần trực tiếp thông qua các hệ thống cửa hàng siêu thị. Về cơ hội, việc các mặt hàng nông, thủy hải sản của Trung Quốc bị đánh thuế mạnh khi nhập khẩu vào Mỹ là một cơ hội lớn cho các sản phẩm của Việt Nam cũng như của PAN nhằm lấp đầy các nhu cầu của người dân Mỹ. Tuy nhiên, 2021 là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống mới Joe Biden, nên việc ông tiếp tục các chính sách thuế quan với Trung Quốc hay không sẽ được coi là một rủi ro đối với các sản phẩm xuất khẩu của PAN.

Theo đó, PAN chọn chiến lược tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến có chất lượng cao và có tệp khách hàng cao hơn, nhằm giảm thiểu được ảnh hưởng của các mặt hàng nông sản rẻ của Trung Quốc khi bị cạnh tranh.

Với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các mảng kinh doanh của PAN được dự báo sẽ phục hồi năm 2021 với mức độ khác nhau theo từng mảng. Mảng giống cây trồng, lương thực (Vinaseed) và thực phẩm, tiêu dùng (Bibica, Lafooco) dự kiến sẽ có sự phục hồi tốt, trong khi đó mảng xuất khẩu thủy sản (Fimex VN, Aquatex Bentre) có tăng trưởng so với 2020, nhưng vẫn chịu một phần ảnh hưởng từ các chi phí logistics, xuất nhập khẩu tăng cao trong giai đoạn nửa đầu năm 2021.

Cho kế hoạch cả năm 2021, Đại hội đồng cổ đông PAN chốt dự kiến doanh thu thuần hợp nhất 10.025 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 495 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 419 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ 224 tỷ đồng. Về phương án phân phối lợi nhuận, nếu đạt kế hoạch, PAN sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 5%. Đại hội của PAN cũng thông qua kinh phí hoạt động, thù lao cho HĐQT là 2 tỷ đồng; Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi công ty mẹ từ 3-5% lợi nhuận sau thuế./.