Kết quả khả quan

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2014, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2015, trong năm 2014, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Đồng thời, Bộ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan; trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; khẩn trương hướng dẫn tổ chức thực hiện, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế.

Trong năm 2014, công tác thu, chi NSNN đã được điều hành quyết liệt; phấn đấu tăng thu; quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Cụ thể, thu NSNN tính đến ngày 22/12/2014 là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó: thu nội địa đạt 105% dự toán, bằng 98,6% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 118,4% dự toán, bằng 94,3% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 104,5% dự toán, bằng 100,1% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội.

Ước tính cả năm thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Năm 2014, đã tổ chức phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm, với lãi suất 4,8%/năm, thấp hơn khoảng 2%/năm so với mức lãi suất của các trái phiếu cũ. Trong điều hành, đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn (cả gốc và lãi) trong phạm vi dự toán; thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công; đảm bảo các chỉ tiêu nợ nằm trong giới hạn cho phép.

Tám nhóm giải pháp cho năm 2015

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2015, báo cáo nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp mà ngành Tài chính tập trung triển khai, cụ thể:

Một là, tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp điều hành kinh tế- xã hội và NSNN trên tinh thần tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%, cao hơn năm 2014, tạo đà để tăng trưởng đạt mức cao hơn trong giai đoạn 2016-2020; yêu cầu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5%.

Hai là, điều hành thu NSNN quyết liệt, bảo đảm dự toán được giao. Căn cứ dự toán thu NSNN năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao; đề nghị các Bộ và địa phương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới theo đúng quy định, bảo đảm không thấp hơn so với dự toán được giao; phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô.

Trong bối cảnh giá dầu đang giảm mạnh, rủi ro giảm thu do giá dầu giảm là rất lớn. Cần chủ động trong điều hành, có giải pháp phù hợp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thu NSNN; phấn đấu tăng thu nội địa, xuất nhập khẩu để thu đạt và vượt dự toán được Quốc hội quyết định.

Ba là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Dự toán chi NSNN năm 2015 được Quốc hội quyết định là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, tăng 140,1 nghìn tỷ đồng (13,9%) so dự toán năm 2014 (song chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tăng chi tối thiểu).

Thực hiện công khai việc bố trí và sử dụng kinh phí ngân sách đi công tác nước ngoài của các cơ quan, đơn vị để tăng cường quản lý, giám sát. Thực hiện nghiêm chủ trương không tăng biên chế công chức, viên chức năm 2015, kể cả thành lập thêm tổ chức mới hoặc giao bổ sung nhiệm vụ mới.

Điều hành bội chi NSNN không quá 5% GDP. Trường hợp có tăng thu ngân sách Trung ương, xem xét ưu tiên để trả nợ và giảm bội chi NSNN; Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo trong giới hạn cho phép; bố trí thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu, nhất là cổ phần hoá, xác định giá trị doanh nghiệp, thoái vốn, xử lý công nợ, phá sản, giải quyết lao động dôi dư.

Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, dịch vụ kế toán, kiểm toán nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển đồng bộ thị trường vốn. Phấn đấu trong năm 2015 đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6 (là 171 giờ/năm, trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 121,5 giờ; thời gian làm thủ tục bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ), tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

Sáu là, về tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, công khai, minh bạch. Tăng cường công tác quản lý thu, thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống gian lận thuế, chống buôn lậu, chuyển giá. Kiểm soát chi chặt chẽ theo đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Tổ chức thực hiện tốt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bảy là, về xây dựng kế hoạch tài chính- NSNN 5 năm giai đoạn 2016-2020, cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN 5 năm 2011-2015 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục rà soát hệ thống chính sách thuế và thu NSNN, bám sát mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập, đảm bảo minh bạch, đơn giản, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ để thực hiện mục tiêu giảm nợ công, đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ.

Tám là, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, dịch vụ công,...) theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước./.