Tối ngày 18/6, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo về việc điều chỉnh tỷ giá.

Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng cho ngày 19/6/2014 từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD (mức điều chỉnh 1%).

Lý do tăng tỷ giá
Thông báo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá lần này nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Theo đó Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế..., điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ.

Thực tế trong năm 2014, mặc dù thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động, tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước diễn biến khá ổn định, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1%.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân được hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Sau hơn 6 tháng duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ổn định ở mức 21.246 VND/USD, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá lần này nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới.

Tăng tỷ giá là phù hợp với cung – cầu thị trường

Thực tế, hành động tăng tỷ giá lần này không có gì bất ngờ. Nhìn lại năm 2014, có thể thấy, đây là năm khá ổn định của cặp tỷ giá USD/VND.

Mặc dù trên thị trường năm 2014, tỷ giá USD/VND có 4 đợt “tăng nóng” bất thường.

Đợt “sóng” đầu tiên diễn ra vào khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, sau khi liên tục duy trì sự ổn định trong suốt quý I cũng như tháng 4, thị trường ngoại hối có dấu hiệu nóng lên và đã có những biến động khá mạnh. Đến chiều 18/6, Ngân hàng Nhà nước đã công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng từ ngày 19/6 từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD, tương đương tăng 1%.

Với biên độ tỷ giá +/- 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần tại ngân hàng thương mại kể từ ngày 19/6 là 21.458 USD/VND, tỷ giá sàn là 21.034 USD/VND. Đây là lần đầu tiên trong gần một năm, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trước những biến động trên thị trường.

Đợt “sóng” thứ 2 xuất hiện là do kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước sau phiên trả lời chất vấn Ủy ban Thường trực Quốc hội (29/9) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tại phiên đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập đến khả năng nếu có điều chỉnh thì năm nay ở khoảng 1-1,43%; tức vẫn còn 0,43% chưa dùng tới.

Ngay sau phiên trả lời chất vấn, từ 1/10, tỷ giá đã biến động, có ngân hàng đã điều chỉnh tăng thêm 10 VND/USD. Tuy nhiên, với sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước bằng thông điệp sẽ không điều chỉnh tỷ giá trong năm nay, thị trường đã đi vào ổn định.

Đợt “sóng” thứ 3 diễn ra vào ngày 18/11/2014, khi tỷ giá USD/VND biến động mạnh, có thời điểm đạt mức 21.420 đồng/1 USD. Mức tăng tới 50 VND chỉ trong vòng 1 giờ đầu ngày - gây bất ngờ vì mức tăng quá đặc biệt, vì sự mạnh bạo đó thường chỉ có ở những thời điểm xáo trộn từ 2011 trở về trước.

Trước diễn biến này, thị trường xuất hiện thông tin việc Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá, cơ quan điều hành đã phải 2 lần lên tiếng khẳng định không điều chỉnh tỷ giá.

Đợt “sóng” thứ 4 diễn ra vào phiên giao dịch hôm 1/12/2014, giá USD của các ngân hàng thương mại đã vượt mốc 21.400 đồng/USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định, đủ lực can thiệp thị trường và chưa cần thiết phải điều chỉnh tỷ giá.

Về đợt sóng này, ông Nguyễn Văn Bình , Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích nhu cầu ngoại tệ tăng lên :

Thứ nhất, thời gian cuối năm, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển lợi nhuận về chính quốc, nhu cầu mua ngoại tệ ghi nhận là có tăng. Thứ hai, các nhà đầu tư gián tiếp cũng muốn chốt lời trong thời gian vừa qua, họ bán ròng và thu ngoại tệ để chuyển lợi nhuận.

“Quan hệ cung - cầu không có gì, nhưng vì có các yếu tố tạo áp lực ở trên nên Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp. Tôi bán ra để thể hiện, tôi nói là làm. Không phải vì trót hứa nên phải làm. Mà có nghĩa là, về tổng thể thì vẫn cân bằng, thậm chí còn dư ngoại tệ, thế nhưng cuộc sống đôi khi có những thời điểm có áp lực thì đó là lúc đòi hỏi thể hiện vai trò điều tiết của Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc nói về quyết định can thiệp vừa qua, và cả về sự sẵn sàng hiện nay.

“Cái cân bằng là ổn định, thế nhưng nếu anh không giữ được cái ổn định đó thì nó sẽ bị yếu tố tâm lý chi phối”.

Ông Nguyễn văn Bình nhấn mạnh, các cân đối ngoại tệ hiện cân bằng, thậm chí thặng dư lớn, còn mất cân đối chỉ là tạm thời. Với vai trò là người điều tiết cuối cùng, khi có mất cân đối tạm thời, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cung ứng.

“Cũng như việc định hướng tỷ giá năm nay, nếu điều chỉnh sẽ không quá 2% là tính toán khách quan, trên cơ sở các cân đối và phù hợp với yêu cầu hỗ trợ phát triển nền kinh tế, chứ không phải hành chính, không phải vì mong muốn chủ quan mà gò thị trường theo nó”.

“Năm nay, Ngân hàng Nhà nước không dùng hết định hướng 2% đó, không tiếp tục điều chỉnh. Không phải cứ thấy thị trường rục rịch là điều chỉnh ngay. Trên cơ sở phân tích các quan hệ cung - cầu nói trên, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết không phá giá, mà bằng tuyên bố của mình, can thiệp giữ ổn định để tạo và giữ niềm tin trên thị trường”, ông Bình khẳng định.

Có thể thấy, nhờ cách điều hành hợp lý của Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại hối đã dần chuyển hoạt động tín dụng huy động – cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, giảm tình trạng đô la hóa, nhất là gia tăng niềm tin vào VND. Đây tiếp tục được coi là điểm sáng tiếp nối sau thành công của năm 2013 .

Ngoài ra, diễn biến tỷ giá hiện nay còn có một yếu tố khá riêng biệt.

Thông thường các năm, Tết âm lịch rơi vào tháng 1 dương lịch, nên trước đó các doanh nghiệp, theo quá trình kinh doanh với nước ngoài, thường kết thúc vào tháng 12 để chuẩn bị nghỉ Tết, nên các phiếu thanh toán thường diễn ra trong tháng 12, nguồn cung ngoại tệ dồi dào lên.

Riêng năm nay, Tết âm lịch lại rơi vào tháng 2 dương năm sau. Với thông lệ trên, nhiều doanh nghiệp chuyển thanh toán vào tháng 1, để nghỉ Tết vào tháng 2. Theo đó, yếu tố thời gian không khớp với nguồn cung ngoại tệ như các năm trước.

Ngoài ra, kiều hối cũng tăng mạnh vào dịp trước Tết âm lịch. Như vậy, kiều hối sẽ tăng mạnh vào tháng 1/2015 thay vì vào tháng 12/2014 như thông lệ hàng năm.