Cụ thể, dự thảo quy định, công ty tài chính được cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân qua ba hình thức, gồm: cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng.

Điểm đáng lưu ý là, ngân hàng thương mại muốn cho vay tiêu dùng cho khách hàng cá nhân theo ba hình thức trên, thì phải thành lập công ty tài chính.

Lập luận cho yêu cầu này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, căn cứ thông lệ quốc tế và thực trạng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, mục tiêu, định hướng xây dựng thông tư này là nhằm tách biệt và hạn chế rủi ro đối với ngân hàng khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng không đúng tiêu chuẩn.

Bởi lẽ, tại Việt Nam, hoạt động tín dụng tiêu dùng của ngân hàng thương mại và công ty tài chính lại đan xen lẫn nhau. Ngân hàng cũng cung cấp một số sản phẩm tín dụng tiêu dùng như cho vay trả góp để mua phương tiện đi lại, trang thiết bị gia đình, cho vay tiền mặt phục vụ đời sống... đối với đối tượng khách hàng phi chuẩn và cũng tiếp cận qua điểm giới thiệu dịch vụ tương tự mô hình công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.

Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, đối tượng khách hàng của ngân hàng là người có thu nhập từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt. Còn đối tượng khách hàng của công ty tài chính là phân khúc mà ngân hàng không hướng tới vì là khách hàng đại chúng (phi chuẩn) có thu nhập trung bình, thấp, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp, khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng...

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng quy định các công ty tài chính, trong quá trình cho vay, phải xây dựng hệ thống thẻ chấm điểm tín dụng khách hàng. Tại đó quy định cụ thể những nội dung tối thiểu phải có tùy vào đặc thù quản trị rủi ro đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng phi tiêu chuẩn.

Về lãi suất, dự thảo Thông tư nêu rõ, khách hàng và công ty tài chính được thỏa thuận lãi suất trên cơ sở khả năng trả nợ của khách hàng, phù hợp với chính sách, quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất. Lãi suất và cách tính lãi suất phải được công khai.

Trước khi ký hợp đồng, công ty tài chính cần cung cấp những thông tin cần thiết về sản phẩm cho vay, lãi suất, phương pháp tính lãi suất, phí, chi phí liên quan, thời gian trả nợ... đầy đủ và chính xác cho khách hàng hiểu và quyết định vay tiêu dùng.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định, các công ty tài chính không được cho vay bất động sản (cho vay mua, xây dựng nhà ở) vốn có tính đặc thù và mức độ rủi ro cao, yêu cầu nguồn lực tài chính, năng lực quản trị rủi ro chuyên nghiệp.

Nguyên nhân là do hiện nay, năng lực tài chính, nguồn vốn hoạt động của công ty tài chính còn nhiều hạn chế (vốn điều lệ thấp, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là đi vay tổ chức tín dụng khác hoặc vay ngân hàng mẹ…), quản trị rủi ro, năng lực điều hành rất bất cập...

Thực tế, trong thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã và đang xúc tiến việc thành lập công ty tài chính hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu dùng (NHTM CP Phát triển Nhà TP. Hồ Chí Minh đã mua lại Công ty tài chính Việt –Sài Gòn, NHTM CP Việt Nam Thịnh Vượng mua lại Công ty tài chính Than Khoáng sản và chuyển đổi hoạt động của các công ty tài chính này tập trung vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng).

Bên cạnh đó, một số tổ chức, tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cũng đang xúc tiến việc thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.

Việc cho phép tổ chức tài chính nước ngoài, ngân hàng thương mại trong nước mua lại công ty tài chính để chuyển đổi thành công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là giải pháp khả thi để tái cơ cấu công ty tài chính.

Mặt khác, đáp ứng được nhu cầu thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tài chính nước ngoài, ngân hàng thương mại, mặt khác, thúc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu tổ chức tín dụng phi ngân hàng./.