A

Năm 2015 sẽ xử lý từ 6-8 ngân hàng

Người đứng đầu ngành ngân hàng đã khẳng định, tái cơ cấu ngân hàng đã được triển khai quyết liệt từ đầu nhiệm kỳ. Nhờ đó, đã tạo ra được hệ thống ngân hàng ổn định hơn, làm tiền đề ổn định chính sách tiền tệ nói riêng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô nói chung trong thời gian qua.

Cụ thể, giai đoạn 1 của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (2011-2015) mới tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém nhất hay những "mắt xích" có thể đứt vỡ bất cứ lúc nào.

Trong giai đoạn 2 sẽ tiến hành đồng bộ, toàn diện hơn, không chỉ các ngân hàng yếu kém, mà cả các ngân hàng đang tốt cũng phải tái cơ cấu để tốt hơn, bền vững hơn.

Các ngân hàng ở mức trung bình phải củng cố vững chắc hơn để tiến tới thành các ngân hàng tốt hơn.

Đến nay, kinh tế vĩ mô đã chuyển biến tích cực, năng lực NHNN và của cả nền kinh tế đã được nâng lên nhiều, đủ sức xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Đó là tinh thần triển khai giai đoạn này .

Thống đốc cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại các ngân hàng, như đã mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNBC) với giá cổ phiếu là 0 đồng.

“Đây là điều phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Một khi các cổ đông làm mất hết vốn của mình và thậm chí dùng vốn xã hội thì các cổ đông đó không còn chỗ đứng nữa và Ngân hàng Nhà nước tiếp quản lại để giữ ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong hệ thống đó”, Thống đốc cho biết.

Theo Thống đốc Bình, không chỉ VNBC mà còn một số ngân hàng khác được xử lý như vậy thời gian tới. Sẽ có nhiều ngân hàng hợp nhất, sáp nhập và một số ngân hàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước mua lại như VNBC. Các ngân hàng đang “khỏe mạnh” cũng có thể sáp nhập để tạo ra ngân hàng có quy mô hơn, hoạt động tốt hơn.

“Chúng tôi hy vọng trong năm 2015 sẽ xử lý từ 6 - 8 ngân hàng”, Thống đốc nói.

Tỷ giá tăng 2% không phải là ý muốn chủ quan

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, con số mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2% không phải là ý muốn chủ quan mà cần dựa trên các dự báo, phân tích kỹ lưỡng bằng căn cứ khoa học.

Trong gần 4 năm vừa qua, công tác dự báo, phân tích đạt được kết quả tương đối tốt, các dự báo đều phù hợp với kết quả thực hiện được. Vì vậy, dự báo mức điều chỉnh tỷ giá không quá 2% là khả thi.

Năm 2015, việc điều chỉnh tăng tỷ giá 1% ngay từ đầu năm, theo Thống đốc, hành động này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động phương án kinh doanh. Doanh nghiệp xuất khẩu được hỗ trợ ngay từ đầu năm, còn doanh nghiệp nhập khẩu cũng xác định được mặt bằng tỷ giá mới để từ đó chủ động điều chỉnh hoạt động tài chính của mình.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước là về cơ bản giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay.

Nếu thuận lợi hơn sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống 1-1,5% nhằm hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt đối với các dự án áp dụng khoa học công nghệ mới để cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Về tăng trưởng tín dụng, trong suốt nửa đầu 2014, còn nhiều ý kiến e ngại về khả năng hoàn thành, nhưng cuối năm đã đạt được mục tiêu 14,16%. Năm nay đặt chỉ tiêu 13%-15% không phải là do ý muốn chủ quan mà dựa trên các yếu tố phát triển kinh tế xã hội và đầu tư của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 13-15%, cao hơn so với năm 2014 (12%-14%) là khả thi.

Thống đốc cũng cho rằng, cần lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng gắn kết các chỉ tiêu khác, có các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung, đặc biệt là sự biến động của giá dầu.

“Việc giá dầu biến động, có thể gây bất lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, trong trường hợp cần thiết hỗ trợ tăng trưởng, do giá dầu bất lợi đến tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh chỉ tiêu này lên 17% để nền kinh tế đảm bảo mức tăng trưởng trên 6,2% và giữ ổn định kinh tế vĩ mô nói chung”, Thống đốc Bình nhận định.

Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% là khả thi

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, dù không có hỗ trợ khác như một số nước khác, nhưng đến tháng 8/2014, chúng ta đã xử lý được trên 54% số nợ xấu phát sinh từ năm 2012 bằng chính nguồn lực và giải pháp của hệ thống ngân hàng.
Ngành Ngân hàng đã cam kết trong Đề án xử lý nợ xấu đã ban hành là đến hết năm 2015 sẽ đưa nợ xấu về dưới 3%.

“Mục tiêu đó là khả thi nhưng cần phải hết sức cố gắng. Trong năm 2014, các ngân hàng thương mại dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước vẫn phải tích cực trích lập dự phòng rủi ro, tự bản thân ngân hàng có thể xử lý được nợ xấu ngân hàng”, người đứng đầu ngành Ngân hàng nhấn mạnh.

Thống đốc cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nỗ lực nâng cao khả năng hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Cơ quan này đã trình Chính phủ, hy vọng ngay sau Tết Nguyên đán, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới sửa đổi Nghị định 53 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động VAMC, tạo môi trường thông thoáng hơn cho hoạt động của Công ty này.

“Cùng với các giải pháp trên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng tốt hơn, ấm áp hơn sẽ tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng xuống dưới 3% vào cuối năm 2015”, Thống đốc tái khẳng định./.