TTCK với nhiều điểm sáng

Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 có diễn biến rất khả quan xét về phương diện tốc độ tăng chỉ số, mức độ ổn định, khối lượng giao dịch và phản ánh khá rõ nét những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế.

Nếu như trong năm 2013, chỉ số VN-Index và chỉ số HNX-Index có diễn biến khác biệt và lệch nhau thì trong năm 2014, hai chỉ số này dao động tương quan với nhau.

Chỉ số VN-Index đã lập đỉnh tại mức điểm 640,75 (ngày 3/9/2014) sau gần 6 năm đạt được, trong khi chỉ số HNX-Index cũng đã lập đỉnh tại mức điểm 92,99 (ngày 24/3/2014) sau đúng 3 năm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2014, VN-Index đóng cửa ở mức 545,63 điểm, tăng 8,13% so với năm 2013. Chỉ số HNX-Index ở mức 82,98 điểm, tăng 22,32% so với năm 2013.

Thanh khoản thị trường tăng trưởng mạnh trong năm 2014 với quy mô giao dịch bình quân 5.500 tỷ đồng/phiên, tăng 104% so với năm 2013. Mức vốn hóa toàn thị trường đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 179.000 tỷ so với năm 2013, đạt gần 31,28% GDP (tăng 18,15% so với năm 2013).

Giá trị giao dịch tăng 2 lần so với năm 2013; tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt khoảng 285.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2013, trong đó, tổng giá trị huy động vốn thông qua kênh trái phiếu chính phủ đạt trên 248.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2013.

Tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư là 1,4 triệu tài khoản, tăng 6% so với năm 2013. Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 14,4 tỷ USD, tăng khoảng 2,8 tỷ USD so với cuối năm 2013.

Việc tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán dựa trên các chỉ tiêu an toàn tài chính để tiến hành rà soát, đánh giá phân loại công ty chứng khoán, trên cơ sở đó tiến hành xử lý theo hướng hợp nhất, sáp nhập, giải thể.

Tính đến cuối năm 2014, đã có 20 công ty chứng khoán chấm dứt và đình chỉ hoạt động, giải thể, hợp nhất, giảm số công ty chứng khoán thua lỗ từ 60% xuống còn dưới 20%.

Cần mạnh tay với vi phạm

Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc đa dạng hóa sản phẩm. Chất lượng, dịch vụ của các công ty, doanh nghiệp còn có những điểm phải khắc phục. Đặc biệt là vấn đề thúc đẩy, khơi thông hoạt động huy động vốn, cũng như dòng chảy của vốn tài chính, vốn tiền tệ, để nâng chất lượng hoạt động của thị trường

Năm 2015, mục tiêu, nhiệm vụ của thị trường chứng khoán Việt Nam là bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường, tiếp tục triển khai hiệu quả và hoàn tất công tác tái cấu trúc; tăng cường tính minh bạch trên thị trường, xây dựng phát triển các sản phẩm mới; triển khai một bước căn bản các điều kiện cho hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh; tăng cường hội nhập quốc tế, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế và các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán.

Ðể thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu này, Bộ Tài chính đề ra bảy nhóm giải pháp thực hiện cụ thể.

Kết luận tại buổi làm việc với Bộ Tài chính về các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, Bộ Tài chính chủ trì chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tập trung rà soát để hoàn thiện khung khổ pháp luật, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt, có hiệu quả Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1826/QĐ-TTg, ngày 6/12/2012.

Trong đó, tập trung nâng cao quản trị doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa niêm yết trên thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh phát triển nhà đầu tư tổ chức, thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn; sớm triển khai Đề án hợp nhất các Sở Giao dịch Chứng khoán theo đúng chỉ đạo tại công văn số 6000/VPCP-KTTH, ngày 6/8/2014 của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu mới, hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và gắn liền quá trình cổ phần hóa với niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện phát triển, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường và hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán (về vốn, hành nghề, quản trị rủi ro, chỉ tiêu an toàn tài chính, kiểm soát nội bộ, công bố thông tin, báo cáo) nhằm củng cố hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và quản trị công ty của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm, không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về chứng khoán để các tổ chức, cá nhân và thành viên thị trường chứng khoán tiếp tục chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật./.