Cụ thể, các ngân hàng phải báo cáo Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch xử lý nợ xấu của từng tháng. Theo đó, các ngân hàng phải nỗ lực triển khai thực hiện để đến ngày 30/6 phải bán được tối thiểu 75% và đến ngày 30/9 bán hết 100% tổng số nợ xấu được ấn định. Nếu ngân hàng thương mại nào không bán được đủ số nợ, Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp chế tài.

Ngoài ra, các ngân hàng phải chủ động, tích cực xử lý nợ xấu bằng các biện pháp thu hồi nợ, phát mãi tài sản, chuyển nợ thành vốn góp, nhận tài sản đảm bảo thay thế cho nghĩa vụ trả nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, bán nợ cho tổ chức, cá nhân khác...

Theo thống kê của VAMC, tính đến ngày 24/12/2014, VAMC đã mua được 81.600 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng với giá 67.275 tỷ đồng, phát hành trái phiếu đặc biệt khoảng 58.000 tỷ đồng. Tính chung từ khi hoạt động đến thời điểm kể trên, VAMC đã mua được gần 121 nghìn tỷ đồng nợ gốc của 39 tổ chức tín dụng với giá hơn 120.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu 88.000 tỷ đồng.

Năm 2015, VAMC tiếp tục mua nợ theo mục tiêu đặt ra từ 70- 100.000 tỷ đồng. Ngày 5/3/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 1264/NHNN-TTGSNH chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đặc biệt, theo đó, VAMC sẽ phát hành khoảng 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để trả cho các ngân hàng bán nợ. Trước đó, cuối tháng 1/2015, Thống đốc đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường xử lý nợ xấu, trong đó có việc phải đẩy mạnh bán nợ cho VAMC, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm và đảm bảo mục tiêu cuối năm đưa nợ xấu về dưới 3%./.