Trả lời phỏng vấn của phóng viên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính, Bộ trưởng cho biết, ngành Tài chính đang chủ động triển khai các nội dung liên quan đến hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Cụ thể đối với lĩnh vực thuế, cơ bản các mức thuế đã đáp ứng được yêu cầu cắt giảm thuế trong ASEAN, các vấn đề hài hòa về thủ tục đang tiến hành từng bước để tiến tới hài hòa về thuế.

“Chúng ta cũng đang tiến hành từng bước về hải quan, thông quan điện tử và tiến tới 1 cửa quốc gia và một cửa ASEAN vào cuối năm 2015”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị Tài chính ASEAN lần thứ 19

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các nước ASEAN có trình độ và sự phát triển khác nhau, nên việc hài hòa này cũng phải được bàn thảo thật kỹ trong tổng thể các nước ASEAN. Ví dụ như: hài hòa về mức thuế, các biện pháp để tiến tới cùng chung một mã thuế trong ASEAN; Những vấn đề về hỗ trợ kỹ thuật, về hải quan để tiến tới hải quan một cửa ASEAN; Những vấn đề về ứng phó với giá dầu thế giới, phát triển quỹ hạ tầng ASEAN, mà trong đó Việt Nam cũng là một trong những nước được thụ hưởng rất sớm từ quỹ này.

Nói về những kết quả đạt được trong Hội nghị, Bộ trưởng Dũng cho biết, năm 2015 đánh dấu việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015 nhằm đề ra mục tiêu và khuôn khổ cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn trong 10 năm tới.

Hội nghị lần này tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng để hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm 2015, như: Bàn về phát triển quỹ phát triển hạ tầng ASEAN có sự tham gia của khu vực tư nhân; Bàn về không gian tài khóa nhằm ứng phó với những biến cố đột suất cũng như tăng cường nguồn thu của ngân sách nhà nước trong trung hạn và dài hạn và với các chính sách thuế hợp lý; Bàn về tác động của sự sụt giảm giá dầu đối với nền kinh tế thế giới và nền kinh tế các nước ASEAN; Bàn về tự do hóa thị trường tài chính trên các lĩnh vực như tự do hóa về bảo hiểm, hải quan, hợp tác hải quan, hải quan một cửa, chống rửa tiền và tài trợ chống khủng bố; Bàn về hài hòa thuế trong ASEAN; Các khoản cam kết về vốn, đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài vào các nước ASEAN.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng Tài chính ASEAN còn trao đổi với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tình hình kinh tế thế giới cùng những tác động tới nền kinh tế ASEAN, nhằm đưa ra các chính sách phù hợp đối với sự phát triển kinh tế chung trong khu vực.

Ngoài ra, bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Việt Nam cùng các bộ trưởng tài chính khác còn có những cuộc tiếp xúc với Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp EU về nhiều nội dung nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp EU vào các nước ASEAN trong thời gian tới./.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 19 thể hiện quyết tâm chung của các nhà lãnh đạo cơ quan tài chính và ngân hàng ASEAN trong việc phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính tiền tệ khu vực sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành trong năm 2015.