Nhiều ngân hàng nước ngoài bắt đầu xâm nhập

Tính đến hết tháng 3/2015, nước ta có hơn 50 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài, cùng với đó là hơn 50 chi nhánh ngân hàng ngoại, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và một số ngân hàng liên doanh. Chỉ tính trong năm 2014 đã có hơn 12.000 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được giải ngân. Hầu hết lượng tiền này được thực hiện thông qua dịch vụ của khối ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Đáng lưu ý là, những năm trước, ngân hàng nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam chủ yếu thuộc những quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều vào Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… Nhưng gần đây, ngân hàng các nước ASEAN đã xuất hiện ngày càng nhiều, như: Ngân hàng DBS (Singapore), Maybank (Malaysia)… Dường như các tổ chức tín dụng trong khu vực đã sẵn sàng đón đợi cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến hình thành cuối năm 2015.

Thậm chí, nhiều ngân hàng ngoại đã mở thêm chi nhánh tại Việt Nam. Cuối năm 2013, Industrial Bank of Korea của Hàn Quốc đã mở thêm chi nhánh thứ 2 tại Việt Nam, trong khi Taipei Fubon cũng nhanh chóng mở rộng mạng lưới hoạt động. Ngân hàng lớn thứ hai Malaysia - CIMB Group Holdings BHD đang có kế hoạch xin giấy phép để hiện diện tại Việt Nam. Trong khi đó, ngân hàng lớn nhất Malaysia là Maybank cũng đã có 2 chi nhánh tại Việt Nam và là cổ đông chiến lược của ABBank.

Không còn nhiều thời gian để “đủng đỉnh”

Cuối năm 2015, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập thì các ngân hàng nước ngoài sẽ được lập công ty con 100% vốn tại Việt Nam. Ngoài ra, theo cam kết Hiệp định Thương mại Thế giới (WTO), đến năm 2020, thị trường ngân hàng cũng phải mở rộng không giới hạn đối với ngân hàng nước ngoài.

Sự gia nhập từng bước của các ngân hàng nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn với nhóm các ngân hàng trong nước. Bởi bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tài chính cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, các ngân hàng này cũng có khả năng thu hút khách hàng là doanh nghiệp địa phương dựa vào uy tín thương hiệu trên thị trường cũng như sức mạnh tài chính dồi dào từ các công ty mẹ.

Điển hình như về đối tượng cho vay, trong khi các ngân hàng trong nước với quy định khá “ngặt nghèo”, chủ yếu hướng tới người có thu nhập cao (tối thiểu 10 triệu VND/tháng), cán bộ, công nhân viên đang làm việc trong Nhà nước, công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài, công ty cổ phần, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam... Hạn mức và điều kiện vay của các ngân hàng trong nước tùy thuộc vào tài sản đảm bảo. Trong khi đó, đối với các ngân hàng nước ngoài, lợi thế vượt trội về vốn, nhiều ngân hàng đưa ra điều kiện cho vay tiêu dùng dễ hơn, thậm chí không cần tài sản đảm bảo. Thời gian giải quyết hồ sơ vay vốn tại ngân hàng nước ngoài được rút ngắn tối đa để đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng.

Ở Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam (Anh) cho phép khách hàng đăng ký vay tiêu dùng trực tuyến và đảm bảo gửi kết quả xét duyệt hồ sơ trong vòng 24 giờ, giá trị khoản vay lên tới 500 triệu đồng. Hay như Ngân hàng ANZ thu hút khách hàng bằng chương trình cho vay tiêu dùng cá nhân với khoản vay lên đến 500 triệu đồng, thủ tục cho vay được xét duyệt trong vòng 48 giờ, kỳ hạn vay linh hoạt lên đến 60 tháng. Thời gian giải ngân nhanh, không cần thế chấp tài sản hay bảo lãnh của công ty, dễ dàng tăng hạn mức vay tiêu dùng... Chính vì vậy, thị phần của các ngân hàng nước ngoài đang ngày càng được mở rộng. Hiện nay, các ngân hàng thương mại nước ngoài, như: ANZ (Australia và New Zealand), DBS (Singapore), Maybank (Malaysia) đang dần quen thuộc đối với Việt Nam. Đã có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, như: Hoàng Anh Gia Lai, VinGroup tìm đến ngân hàng nước ngoài để “nhờ cậy” tư vấn phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, hàng loạt các vụ phát hành trái phiếu quốc tế của các tập đoàn lớn trong các năm trước đó, như: Vinacomin, Vingroup, BIDV, HAG... cũng đều được các ngân hàng đầu tư lớn của thế giới đang hoạt động tại Việt Nam thu xếp.

Có thể nói, hội nhập sẽ tạo ra không ít thách thức cho các ngân hàng trong nước. Các ngân hàng này cần khẩn trương làm quen với “Luật chơi” trên thị trường tài chính quốc tế, vì không còn nhiều thời gian để có thể “đủng đỉnh”, khi mà các ngân hàng nước ngoài với những thế mạnh riêng đang dần xâm nhập và từng bước chiếm lĩnh thị trường Việt Nam./.