Làn sóng sáp nhập diễn ra dồn dập

Ngay những tháng đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước chính thức mua lại toàn bộ cổ phần Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam và bổ nhiệm lãnh đạo mới đã đánh dấu màn khởi đầu cho việc sáp nhập ngân hàng năm 2015. Nhiều ngân hàng tự nguyện sáp nhập, nhưng cũng có ngân hàng do quá yếu kém nên Ngân hàng Nhà nước đã phải mua lại với giá 0 đồng. Các thương vụ sáp nhập diễn ra dồn dập hơn có thể kể đến, như: Ngân hàng Xăng Dầu sáp nhập với Ngân hàng Công Thương (Vietinbank), Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long sáp nhập với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Mê Kông sáp nhập với Ngân hàng Hàng Hải. Quyết liệt nhất vào lúc này là Ngân hàng Nhà nước công bố mua lại với giá 0 đồng 2 ngân hàng thương mại là: Xây Dựng và Đại Dương.

Đến nay, những cái tên sẽ được về chung một nhà đó là: SaigonBank sẽ về với Vietcombank; PG Bank về với Vietinbank; Mekong Bank về với Maritime Bank; Southern Bank về với Sacombank…

Kỳ vọng nhiều hơn về chất lượng

Theo kết quả mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ, giai đoạn 2011-2014, trong số 9 ngân hàng được Chính phủ xếp vào diện yếu kém phải được tái cơ cấu (Habubank, SCB, TinNghiaBank, Ficombank, TPBank, TrustBank, Navibank, Western Bank và GP.Bank), có 8 ngân hàng cho kết quả hoạt động tốt hơn trước khi tái cơ cấu, chỉ có Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) là chưa cụ thể thông tin.

Về kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã tái cấu trúc cho thấy, các ngân hàng đều có sự cải thiện rõ rệt về “sức khỏe” tín dụng. Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn có tổng tài sản tăng gần 100.000 tỷ đồng; sau hợp nhất, các ngân hàng tự tái cấu trúc như TPBank có tổng tài sản tăng gần 5 lần so với trước khi tài cơ cấu.

Có thể nói, bằng những hình thức khác nhau, như: các thương vụ mua bán, sáp nhập, hay việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua lại các ngân hàng khiến số lượng ngân hàng ít đi, nhưng chất lượng được kỳ vọng tăng lên.

Cùng với việc xác định năm 2015 sẽ là năm then chốt trong tái cơ cấu hệ thống, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh hoạt động sáp nhập, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện và đúng luật. Trong đó, vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn sẽ rất lớn khi tham gia vào quá trình sáp nhập, hợp nhất và mua lại những đơn vị yếu kém. Theo đó, tất cả những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi sẽ bị xử lý dứt điểm, kể cả khi phải áp dụng các biện pháp giải thể, phá sản hoặc các biện pháp can thiệp bắt buộc khác.

Để hệ thống ngân hàng lành mạnh, trong sạch hơn, việc loại bỏ cả chục ngân hàng yếu kém là điều không thể đừng. Việc tái cấu trúc không chỉ dừng lại ở những chữ ký, ở các hợp đồng hợp nhất, không chỉ là xóa tên hay sáp nhập các ngân hàng, mà đòi hỏi một lộ trình không dễ dàng đối với các ngân hàng cũng như toàn hệ thống ngân hàng./.