Lãng phí, sử dụng sai ngân sách: “Bệnh cũ” tái diễn

Theo kết quả kiểm toán năm 2014 mà Kiểm toán Nhà nước gửi tới các đại biểu quốc hội ngày 21/05 cho thấy, sự quản lý cực kỳ lỏng lẻo ở cấp địa phương.

Tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí cũng xảy ra rất nhiều ở các địa phương được kiểm toán. Theo Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đã phải kiến nghị các địa phương này hoàn trả ngân sách 1.294 tỷ đồng.

Một số địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí và không còn kết dư ngân sách nên không thực hiện được một số nhiệm vụ chi cần thiết.

Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định, tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức còn diễn ra phổ biến ở “hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố được kiểm toán”.

Các địa phương được nêu tên về những sai phạm trên gồm: Đà Nẵng (101,3 tỷ đồng), Vĩnh Long (11,49 tỷ đồng), Hà Nội (1,7 tỷ đồng)...

Có đến 14/35 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn dự phòng ngân sách cho những nhiệm vụ chi không cấp bách, như: mua sắm tài sản, sửa chữa với số tiền 152,7 tỷ đồng. 18/35 địa phương sử dụng cả tiền nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên và một số nhiệm vụ không đúng quy định với số tiền khá lớn: gần 690 tỷ đồng.

Tình trạng chi chuyển nguồn sai, tuy có giảm, nhưng vẫn còn lớn. Một số địa phương chi chuyển nguồn sai phải điều chỉnh 737,4 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo kiểm toán năm 2013 cũng cho thấy sự việc tương tự với việc sai phạm trong sử dụng và quản lý ngân sách của hàng loạt địa phương.

Tại Thủ đô Hà Nội, việc chi sai nguồn vốn cũng được Kiểm toán Nhà nước “điểm mặt, chỉ tên”. Đó là việc thực hiện hạ ngầm cáp điện các tuyến phố hơn 425 tỷ đồng (ngân sách thành phố gần 263 tỷ đồng, ngân sách quận Hoàn Kiếm hơn 162 tỷ đồng) trong khi nhiệm vụ này thuộc các doanh nghiệp.

Còn tại Quảng Nam, đã xảy ra tình trạng mua sắm, sử dụng xe ô tô công quá quy định cho phép. Tính đến ngày 31/12/2013, toàn Tỉnh đang quản lý, sử dụng 469 xe ô tô, riêng năm 2013 tăng 27 xe với tổng nguyên giá tăng 21.444 triệu đồng (mua mới 18 xe nguyên giá 17.261 triệu đồng và tiếp nhận 9 xe nguyên giá 4.030 triệu đồng).

Qua kiểm toán nhận thấy một số tình hình sau: Nhiều tổ chức xã hội được trang bị xe không đúng quy định; một số sở, ngành được trang bị từ 3-4 xe trong khi định mức chỉ được trang bị 2 xe; Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đang quản lý, sử dụng 9 xe ô tô vượt so với quy định.

Sai phạm cũng được chỉ ra tại thành phố Đà Nẵng. Thành phố đã dùng nguồn cải cách tiền lương 400 tỷ đồng để bố trí vốn cho chín dự án, bố trí vốn ngân sách nhà nước cho bốn dự án của các doanh nghiệp không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố 13,546 tỷ đồng, bố trí vốn từ nguồn thu xổ số kiến thiết cho Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng gần 1.048 tỷ đồng (công trình do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư, đây là một tổ chức tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí, không phải tổ chức thuộc Nhà nước).

Thành phố Cần Thơ sử dụng hơn 72 tỷ đồng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, phát thanh truyền hình, nhà khách Thành ủy Cần Thơ...

Tăng hình phạt tiền, quyết giảm sai phạm

Để giảm thiểu sai phạm, tăng tính thượng tôn của pháp luật, Chính phủ đã vừa ban hànhNghị định số 58/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 192/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

Theo đó, nhiều hành vi sai phạm được bổ sung với mức phạt tiền khá cao.

Cụ thể, với việc sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành và sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Nghị định 58/2015/NĐ-CP cũng đã bổ sung một số hành vi bị phạt là hành vi vi phạm quy định của pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên.

Theo đó, phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái phép việc thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện các dự án sử dụng tài nguyên tái chế. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật cũng bị phạt tiền với mức phạt từ 50-60 triệu đồng.

Bên cạnh bổ sung hành vi bị phạt, Nghị định 58/2015/NĐ-CP cũng đã quy định rõ hơn và nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước gây lãng phí trước đó đã được quy định tại Điều 25 Nghị định 192/2013/NĐ-CP.

Nghị định nêu rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Phạt tiền từ 1-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách Nhà nước cấp không đúng danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2015. Nghị định được đưa ra với kỳ vọng sẽ giảm thiểu các hành vi vi phạm kỷ luật ngân sách đang diễn ra khá phổ biến thời gian qua./