Biết bao ngày mong chờ…

Thực tế việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Chính phủ đề cập đến từ năm lâu. Tuy nhiên, việc này đã bị trì hoãn nhiều lần.

Được biết, chính dự đoán về việc nới room khối ngoại đã đẩy chỉ số VN-Index tăng vọt 22% trong năm 2013 và tiếp tục tiến thêm 12% trong năm 2014.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2014 diễn ra sáng 2/12/2014, ông Dominic Scriven – Trưởng nhóm Công tác Thị trường đã lo lắng mà rằng: “Việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục trì hoãn chưa nới room cho nhà đầu tư ngoại khiến chúng tôi không có việc gì để làm trong một năm tới…”.

Tâm trạng chờ đợi lại được tiếp nối tại VBF giữa kỳ 2015 vừa diễn ra, đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn, ông Nguyễn Kiên đã rất tâm tư khi chia sẻ: “Trong 3 năm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đợi Chính phủ tăng sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang đợi Chính phủ thông qua Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012...”

Ông Kiên cũng cảnh báo, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi thụt lùi, đặc biệt là khi so sánh với các nước ASEAN.

Để minh chứng cho nhận định này, Nhóm công tác Thị trường vốn đưa ra một thống kê đáng chú ý.

Theo đó, Việt Nam có 91 triệu dân, nhưng vốn hóa của thị trường chứng khoán chỉ khoảng 46 tỷ USD, tương đương 25% GDP. Trong khi đó, Philippines, với 99 triệu dân, vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 184 tỷ USD, tương đương 65% GDP của nước này; Thái Lan, với 69 triệu dân, vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 418 tỷ USD, tương đương 112% GDP của nước này; Singapore với 5 triệu dân, mức vốn hóa của TTCK khoảng 415 tỷ USD…

Với quy mô của thị trường chứng khoán còn khiêm tốn như trên, Nhóm công tác Thị trường vốn cho rằng, thị trường chứng khoán hiện tại của Việt Nam sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa. Tổng giá trị các DNNN sẽ được cổ phần hóa trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỷ USD.

Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số lượng cổ phần, thì thị trường sẽ cần 3,75 tỷ USD để mua số cổ phần này. Nguồn tiền trong nước sẽ không đủ để mua số cổ phần nói trên, nên Việt Nam sẽ cần một dòng tiền mới của nước ngoài để mua.

Thế nhưng, theo nhóm công tác, tính từ đầu năm nay đến ngày 19/5/2015, dòng tiền mới của nước ngoài chảy vào HNX chỉ là 5 triệu USD, vào HOSE là 113,3 triệu USD.

Để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển hơn trong thời gian tới, Nhóm công tác Thị trường vốn đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính triển khai 3 nhóm giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp “nới room”.

Theo đó, Việt Nam cần mạnh dạn xóa bỏ trần tỷ lệ sở hữu 49% áp dụng đối với khối ngoại, nên áp dụng tỷ lệ sở hữu theo đúng cam kết WTO của Việt Nam đối với các công ty đại chúng kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ; mở cửa toàn bộ thị trường đối với các lĩnh vực khác không nằm trong cam kết WTO của Việt Nam (trừ những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và những lĩnh vực ảnh hưởng tới an ninh quốc gia).

Và, ngày vui cũng đến

Nghị định số 60/2015/NĐ-CP vừa được ký ban hành vào ngày 26/06/2015 và chính thức có hiệu lực từ 01/09/2015 đã mang niềm vui đến cho thị trường chứng khoán Việt Nam sau bao ngày đề xuất và mong chờ.

Theo tinh thần của Nghị định số 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, thì Chính phủ đã quyết định mở rộng room cho khối ngoại lên tối đa 49%.

Cụ thể, Nghị định bổ sung Điều 2a quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng như sau:

a) Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế;

b) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.

Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%;

c) Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác;

d) Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Ngoài nội dung nới room cho nhà đầu tư ngoại lên 49%, thì một điểm đáng chú ý nữa của Nghị định 60 là không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán.... Ngoại trừ quỹ mở, quỹ đầu tư chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt từ 51% trở lên, thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi, tổ chức phát hành phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi đến hạn chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc đến thời hạn mua cổ phiếu tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài kể trên.

Thông tin nới room là nguyên nhân chính giúp hàng loạt cổ phiếu dòng chứng khoán trên thị trường ngày 26/06/2015 bứt phá mạnh và giao dịch sôi động. Trong đó, SSI tăng 600 đồng lên 24.400 đồng/CP, với thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 12,2 triệu đơn vị. VND cũng tăng 700 đồng lên 14.500 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 6 triệu đơn vị. HCM tăng 1.100 đồng lên 36.600 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2,5 triệu đơn vị./.