Thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ AIIB

AIIB được thành lập sẽ là một định chế tài chính đa phương, trụ sở chính đặt tại Bắc Kinh và có mức vốn điều lệ 100 tỷ USD. AIIB hiện có 57 thành viên sáng lập, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2015. Mục tiêu hoạt động của AIIB là thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thông qua đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực, tập trung vào các dự án trong lĩnh vực: giao thông, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, môi trường, phát triển đô thị...

Theo kế hoạch công tác chuẩn bị thành lập AIIB, các nước thành viên sáng lập sẽ tiếp tục thông qua cơ chế hội nghị đại biểu đàm phán cao nhất, thảo luận nghiệp vụ và chính sách tài vụ của AIIB, cùng các vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị đi vào hoạt động của Ngân hàng.

Trong tiến trình xây dựng các văn bản pháp lý và khung chính sách hoạt động của AIIB vừa qua, Việt Nam cùng các thành viên sáng lập tiềm năng khác, đặc biệt là các quốc gia phát triển đã nỗ lực xây dựng AIIB theo hướng minh bạch, hiệu quả và trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế.

Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: "Việc Việt Nam tham gia làm thành viên sáng lập của AIIB là phù hợp với chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về việc chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thành lập AIIB là sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 10 năm 2013. Về mặt kinh tế, Việt Nam trong quá trình phát triển từ nay đến năm 2020, nhu cầu đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng là rất lớn. Mặc dù rất tích cực nhưng các nguồn vốn trong nước không thể đáp ứng đủ, do vậy cần huy động các nguồn vốn nước ngoài."

Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: "Trong thời gian vừa qua, các tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chính phủ các nước cũng đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực này, tuy nhiên, theo quy định của WB và ADB, nguồn vốn ưu đãi dành cho Việt Nam thời gian tới sẽ ngày càng hạn hẹp vì Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Do vậy, với việc tham gia làm cổ đông của AIIB, chúng ta bổ sung được một nguồn quan trọng để thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng lưu ý để trong quá trình xây dựng các dự án, lựa chọn các dự án thiết thực, hiệu quả, đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của đất nước trong thời gian tới."

7 quốc gia chưa ký kết và những quan ngại ....

7 quốc gia là Đan Mạch, Kuwait, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Nam Phi và Thái Lan đã từ chối ký với lý do chưa được ủng hộ ở trong nước.

Mỹ và Nhật vẫn tỏ ý băn khoăn về cơ chế hoạt động cũng như tính minh bạch trong điều hành của AIIB nên vẫn chưa tham gia.

Với mức đóng góp khoảng 30 tỷ USD trong số 100 tỷ USD vốn cơ bản của AIIB, điều này giúp Bắc Kinh nắm khoảng 25%-30% tổng số phiếu, đủ để phủ quyết bất cứ quyết định nào liên quan các khoản vay, tăng vốn và các vấn đề quan trọng khác đòi hỏi ít nhất 75% số phiếu hay sự tán thành của cổ đông lớn. Tiếp theo, Ấn Độ là cổ đông lớn thứ hai của AIIB với tỷ lệ góp vốn là 8,52% và quyền biểu quyết là 7,5% và thứ ba là Nga với 5,92 quyền biểu quyết.

Ông Jin Liqun, Tổng thư ký Ban Thư ký đa phương lâm thời của AIIB cho biết, AIIB thành lập nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế châu Á. Ngoài ra, AIIB sẽ thực hiện quan niệm tài chính xanh, hướng tới sự đầu tư của càng nhiều nguồn vốn công - tư thông qua các mô hình như huy động vốn chung, công ty liên doanh... cũng như các biện pháp tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh...

Tuy nhiên, về phương hướng hoạt động của AIIB vẫn tồn tại những lo ngại, liên quan đến sự chi phối của Bắc Kinh trong ngân hàng này. Trung Quốc chiếm quyền biểu quyết lớn nhất là 26%, các thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ nắm cổ phần đáng kể với biểu quyết gần 50%. Điều này làm tăng thêm các mối lo ngại cho rằng, AIIB có thể thách thức các thể chế tài chính đa phương đã có từ lâu như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng BRICS. Mặc dù AIIB đã cam kết rằng hoạt động của Ngân hàng là bổ sung chứ không phải cạnh tranh với các cơ chế đa phương hiện hữu khác./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hội nghị đặc biệt cấp Bộ trưởng tài chính AIIB tại Bắc kinh, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-dac-biet-cap-bo-truong-tai-chinh-aiib-tai-bac-kinh/330438.vnp

2. Duy Duy (2015). Việt Nam chính thức gia nhập vào AIIB, truy cập từ http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/viet-nam-chinh-thuc-gia-nhap-vao-aiib-3274781/

3. Nhật Đăng (2015). Việt Nam tham gia ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi sướng, truy cập từ http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/viet-nam-tham-gia-ngan-hang-aiib-do-trung-quoc-khoi-xuong-579440.html